Tín dụng giảm nghèo ở vùng cao Bình Định

Vĩnh Thạnh - huyện miền núi tỉnh Bình Định là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Huyện có địa hình đa dạng, tương đối phức tạp, chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, sản xuất phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên.

20170829-m2.jpg
 
Vợ chồng anh Đinh Khéo và chị Đinh Thị Khoeng, dân tộc Ba Na, ở làng 3, xã Vĩnh Thuận với đàn bò được đầu tư từ vốn vay ưu đãi
 
Vĩnh Thạnh có 9 đơn vị hành chính, 8 xã và 1 thị trấn với 57 thôn (làng), trong đó có 4 xã đặc biệt khó khăn, dân số gần 30 ngàn người, 1/3 là đồng bào dân tộc thiếu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Ba Na.Trong những năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã có nhiều biện pháp trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với xóa đói, giảm nghèo. Đồng hành cùng sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo nơi đây là hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với những cán bộ tín dụng không biết mệt mỏi cùng các cấp hội, đoàn thể chuyển những đồng vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, gia đình chính sách. Đồng vốn đã sinh lời từ những con bò, rừng cây ăn quả, lấy gỗ…, nhiều ruộng khô cằn đã được phủ màu xanh qua sự cố gắng của người dân và đồng vốn chính sách. Từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa cán bộ tín dụng với chính quyền, cùng ý thức của người dân, đồng vốn luôn sinh lời, những năm gần đây không còn trường hợp nợ xấu, nợ quá hạn.

Đặc thù của huyện miền núi Vĩnh Thạnh là thường xuyên hạn hán về mùa khô, lũ lụt về mùa mưa nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của người dân. Ðặc biệt, thiên tai, mất mùa có thể đến bất cứ lúc nào, để “nợ xấu bằng không” là việc làm không dễ. Những cánh tay nối dài là các cấp hội nhận ủy thác đã đóng vai trò tích cực trong việc giám sát, đôn đốc người vay. Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh - Nguyễn Tấn Định cho biết, phòng Giao dịch phối hợp với ban giảm nghèo các xã đôn đốc xử lý thu hồi nợ quá hạn, vận động, thuyết phục hộ vay trả nợ theo định kỳ. Với hộ khó khăn có thể gia hạn nhưng vẫn giám sát chặt chẽ và thu nợ dần hàng tháng. Với những hộ bỏ đi khỏi địa phương phối hợp cùng chính quyền địa phương tìm địa chỉ nơi ở mới, kiên quyết vận động trả dần cho ngân hàng.
 
Chị Đinh Thị Tình, dân tộc Ba Na, người đã 6 năm làm tổ trưởng vay vốn ở làng 3, xã Vĩnh Thuận cho hay, tổ chị có 49 hội viên với dư nợ hơn 1 tỷ đồng, các tổ viên vay vốn chủ yếu đầu tư nuôi bò, chăm sóc vườn điều, hộ nào có đất gần suối nước thì đầu tư trồng màu, những ruộng cây bí đỏ, nương ớt được mùa cũng là nguồn thu cho nhiều gia đình, vì là vùng đất cằn cỗi nên không phải nhà nào cũng trồng màu được.
 
Còn tổ vay vốn làng có 48 hội viên, dư nợ 1,5 tỷ đồng. Bà con trong tổ vay vốn cũng chủ yếu nuôi bò là chính vì con bò nuôi sau 1 đến 2 năm nếu sinh trưởng tốt là có thể bán sinh lời, cũng nhiều hộ đầu tư trồng keo nhưng vì cây keo sau 5 đến 7 năm mới cho thu hoạch nên các hộ thường đầu tư trồng cây, nuôi con ngắn ngày. Hộ vay trong tổ cũng rất ý thức với việc trả lãi hàng tháng, nhiều năm chị Tình làm tổ trưởng nhưng không có hộ chây ỳ, những gia đình có rủi ro bởi thiên tai hay hoạn nan cũng vẫn cố gắng xoay sở trả nợ đúng kỳ.
 
Đến mô hình nhà anh Đinh Khéo và chị Đinh Thị Khoeng ở làng 3, xã Vĩnh Thuận, gia đình anh được vay 8 triệu đồng hộ đồng bào dân tộc thiếu số đặc biệt khó khăn, 20 triệu đồng chương trình hộ nghèo, gia đình đầu tư nuôi bò sinh sản, sau 4 năm đã có đàn bò 5 con, không những là tài sản có giá trị mà còn cho gia đình anh nguồn phân bón để cải tạo 2 héc-ta đất trồng bí đỏ, mỗi năm cũng thu hàng chục triệu đồng, từ cú hích vốn vay và sự chịu khó lao động, gia đình anh đã cơ bản thoát nghèo.
 
Tính đến đầu năm 2017, dư nợ các chương trình cho vay ưu đãi trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đạt hơn 196 tỷ đồng với 5.703 hộ còn dư nợ. Các chương trình cho vay đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững, có cơ hội làm giàu chính đáng. Kết quả đạt được đã góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 61,86% cuối năm 2015 xuống còn 56,07% cuối năm 2016.
Nguồn: Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội