Phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế xóa nghèo bền vững

Do kinh tế gia đình khó khăn, nhiều hộ gia đình muốn vay vốn phát triển sản xuất nhưng cần phải thế chấp tài sản, do đó nhiều hộ phụ nữ nghèo trong tỉnh Thanh Hóa khó đáp ứng.

20170828-m24.jpg
 
Gia đình chị Yến, thôn Đông Hải, xã Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa) vay vốn kinh doanh xe ngựa phục vụ du lịch.
 
Tuy nhiên, với Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa, “rào cản”  này được tháo gỡ, chỉ cần tổ phụ nữ thôn, phố,  đứng ra tín chấp cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn là  vay được vốn. Trong thời gian qua, nhiều hộ phụ nữ từ vay vốn đã phát triển kinh tế gia đình vững chắc, tạo việc làm cho nhiều lao động có thu nhập ổn định.
 
Tại huyện Thiệu Hóa, chị Hoàng Thị Trang, thôn Vĩnh Điện, xã Thiệu Phú, được vay của Tổ chức Tài chính vi mô -  Chi nhánh Thiệu Hóa ban đầu là 3.000.000 đồng, sau thời gian đầu tư sản xuất giống một số loài hoa,  thấy có giá trị cao hơn các loại cây trồng khác, lần thứ 7 chị được vay tăng lên 30.000.000 đồng để  mở rộng diện tích trồng hoa. Từ hộ nghèo trước đây, nay kinh tế gia đình chị phát triển  và chị còn  tạo việc làm ổn định cho 5 lao động có thu nhập khoảng 3.000.000 đồng/người/tháng; chị Trần Thị Hiệp, thôn Mật, xã Thiệu Phúc,   lần thứ 4  được vay tăng lên 15.000.000 đồng để mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình. Khi kinh tế gia đình phát triển, chị có tiền sửa sang nhà cửa, công trình phụ, đời sống gia đình từng bước được nâng lên, con cái được học hành chu đáo; chị Lê Thị Chính, thôn 5, xã Thiệu Trung được vay 20.000.000 đồng lần thứ 7, để mở rộng sản phẩm đúc đồng, nhiều sản phẩm của gia đình chị như trống đồng, bộ lư hương thờ, hoành phi, các con giáp... được bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Chị đang tạo việc làm cho 10 người có thu nhập ổn định với mức lương khoảng 3.000.000 đồng đến 4.500.000 đồng/người/tháng; chị Vũ Thị Nhấng, thị trấn Vạn Hà từ chỗ chưa quen với thương trường, khi được vay vốn, chị làm quen với buôn bán một số ít mặt hàng tạp hóa. Sau khi kinh tế gia đình ổn định, chị vay thêm 20.000.000 đồng lần thứ 6 để mở rộng nhiều mặt hàng tạp hóa, nay kinh tế gia đình phát triển vững chắc, tạo điều kiện cho con cái theo học các trường...
 
Tại Chi nhánh Tài chính vi mô huyện Tĩnh Gia, nhiều hộ gia đình phụ nữ nghèo trong huyện  đã được tiếp cận với nguồn vốn của tổ chức này. Khi được tổ hội phụ nữ thôn, xóm giới thiệu, cùng với cán bộ Chi nhánh Tổ chức Tài chính vi mô huyện tư vấn cách vay và gợi ý phát triển kinh tế, chị em vay vốn đã tự tin đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ, phát triển sản xuất hiệu quả. Điển hình như gia đình chị  Lê Thị Hương, thôn 6, xã Định Hải (huyện Tĩnh Gia) được vay  5.000.000 đồng để đầu tư chăn nuôi gà, lợn. Sau đó chị được vay lên 10.000.000 rồi 20.000.000 đồng để mở rộng mô hình chăn nuôi. Từ chỗ kinh tế  luôn túng thiếu triền miên, đến nay chị có đàn gà hơn 200 con, 5 con trâu và bò; tăng cường chăm sóc, cải tạo trồng rừng trong diện tích gia đình được giao. Gia đình chị đã có của ăn, của để, các cháu có điều kiện đi học. Gia đình chị Lan ở thôn 8 cùng xã, cũng là hộ gia đình nghèo, năm 2016 được vay 5.000.000 đồng để mở một tủ thuốc tây. Vốn liếng sau kinh doanh dần dư dật, chị có thêm niềm tin, tự tin trong kinh doanh nên chị vay tăng lên 20.000.000 đồng để mở thành cửa hàng thuốc tây phục vụ bà con quanh xã.
 
Không kể hết nhiều hộ phụ nữ nghèo trong tỉnh nhờ vốn vay không thế chấp của Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa mà từ chỗ kinh tế gia đình rất khó khăn, trở nên ổn định và phát triển, kéo theo mọi thành viên trong gia đình đều có thêm việc làm và thu nhập ổn định. Con cái được học hành chu đáo.