Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Điện tử và CNTT Ấn Độ họp nhóm công tác chung lần thứ nhất

Sáng ngày 24/8/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Điện tử và CNTT Ấn Độ đã có buổi họp nhóm công tác chung Việt Nam - Ấn Độ lần thứ nhất. Tham dự buổi họp, về phía Bộ TT&TT Việt Nam có đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Công nghệ thông tin, Cục Tin học hóa, VNCERT, VNNIC, đại diện Học viện Công nghệ BCVT… Về phía Ấn Độ có đại diện Trung tâm thông tin quốc gia, Vụ ATTT-CNTT, Phòng Hợp tác quốc tế, đại diện Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ TT&TT đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển CNTT tại Việt Nam. Theo đó, tổng doanh thu ngành CNTT Việt Nam năm 2016 là 66 tỷ USD, trong đó phần cứng là 59 tỷ USD, phần mềm là 3 tỷ USD, dịch vụ nội dung số là 740 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu CNTT đạt 61 tỷ USD. Tổng số thuê bao di động đạt 130 triệu...
20170824-pg3-vn.jpg
Đại biểu đoàn Bộ TT&TT Việt Nam
 
Chia sẻ về tình hình phát triển CNTT Ấn Độ, đại diện Bộ Điện tử và CNTT Ấn Độ cho biết, Ấn Độ hiện là nước mạnh về CNTT với kim ngạch xuất khẩu CNTT tăng mạnh từ 4 tỷ USD năm 1999-2000 lên 144 tỷ USD năm 2016. Tính đến tháng 3/2017 đã có 462 triệu dân Ấn Độ kết nối Internet. Đến hết năm 2016 có khoảng 1,1 tỷ thuê bao di động.
 
Về định hướng phát triển CNTT của Ấn Độ trong những năm tới, Ấn Độ sẽ tập trung phát triển các ứng dụng trên di động để người dân Ấn Độ có thể thực hiện các giao dịch qua mạng, không cần giấy tờ. Ấn Độ hiện đã có mạng lưới cơ sở hạ tầng kết nối toàn quốc với nhiều ứng dụng điện toán đám mây. Ấn Độ cũng đã triển khai hệ thống dữ liệu chứng minh thư cho toàn dân với kho dữ liệu của hơn 1,16 tỷ dân, chiếm đến 85% dân số.
 
Liên quan đến việc xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, Ấn Độ đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống bệnh viện điện tử, ngân hàng điện tử, giao thông điện tử, tòa án điện tử, kiểm soát các phương tiện và ngư dân trên biển, hệ thống quản lý tài sản. Đặc biệt, các hệ thống dữ liệu này được công bố để người dân và doanh nghiệp cùng sử dụng.
 
20170824-pg2-ad.jpg
 Đại diện Bộ Điện tử và CNTT Ấn Độ
 
Theo kinh nghiệm của Ấn Độ, các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) thường được chính quyền địa phương xây dựng vì xuất phát từ nhu cầu thực tế của chính họ, tuy nhiên Chính phủ thực hiện việc giám sát, quản lý và hỗ trợ hoàn toàn về tài chính nếu hệ thống CSDL này phục vụ cho nhu cầu chung, không phải là các nhu cầu đặc thù của địa phương.
 
Để các hệ thống CSDL có thể liên thông, kết nối và chia sẻ với nhau, nhiệm vụ của Bộ Điện tử và CNTT Ấn Độ là xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn chung, hiện nay đã xây dựng được các bộ tiêu chuẩn trên 10-12 lĩnh vực. Ngoài ra, Bộ này còn xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể để áp dụng vào một số trường hợp cụ thể, đặc thù.
 
Về lĩnh vực chữ ký số, Ấn Độ hiện có 10 CA trên toàn quốc và đã có 1,5 triệu chữ ký số đã được cấp. Chính phủ Ấn Độ hiện đang có nhiều chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số. Trong các lĩnh vực như chính phủ điện tử, ngân hàng hay quản lý hộ chiếu việc sử dụng chữ ký số là bắt buộc.
 
Cũng tại buổi họp, đại diện hai Bộ đã có những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về việc hợp tác trong lĩnh vực an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác doanh nghiệp. Hai bên cũng nhất trí cuộc họp nhóm công tác chung giữa hai Bộ lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại Ấn Độ vào nửa cuối năm 2018.