Bằng Luân tìm hướng thoát nghèo

Nhắc đến Bằng Luân nhiều người nhớ ngay đến vùng đất trồng nhiều bưởi nhất của huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) với 224ha. Những quả bưởi sai trĩu cành cứ vào tháng 10 dương lịch bắt đầu cho thu hoạch đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Không chỉ chú trọng phát triển sản xuất, chính quyền địa phương còn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

20170824-m05.jpeg
 
Vườn bưởi đặc sản của gia đình ông Trần Vương Anh ở khu 3, xã Bằng Luân cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
 
Nói đến nhiệm vụ giảm nghèo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Luân Lã Xuân Viên cho biết: “Chúng tôi xác định muốn giảm nghèo thì phải biết tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lao động ưu tiên phát triển sản xuất, lựa chọn loại cây trồng mũi nhọn, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó nâng cao thu nhập cho các gia đình. Đến nay người dân địa phương đã tìm được cho mình hướng giảm nghèo phù hợp đó là đưa cây bưởi vào trồng trên các diện tích đất vườn, đồi. Nhờ đó, nhiều hộ thoát nghèo, không ít hộ còn trở nên khấm khá từ trái bưởi”. Năm 2016, xã tiến hành trồng mới 12ha bưởi, nâng tổng diện tích trồng bưởi hiện nay của xã lên 224ha, trong đó 115ha đang cho thu hoạch. Nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, thụ phấn cho bưởi nên năng suất và chất lượng quả năm sau cao hơn năm trước. Nhiều hộ thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/vụ từ trồng bưởi. Năm 2016, tổng giá trị sản phẩm của quả bưởi ước đạt trên 31 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế địa phương. Nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng cho các vườn bưởi, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, thâm canh, chăm sóc bưởi đặc biệt là kỹ thuật thụ phấn cho hoa. Gần 1.000 hộ trồng bưởi trong xã tham gia tập huấn và áp dụng vào thực tiễn. 

Bên cạnh phát triển sản xuất nông nghiệp mà mũi nhọn là cây bưởi, nhiều hộ trong xã còn mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp với nhiều ngành nghề: Chế biến gỗ, chế biến chè, sản xuất gạch bê tông, dịch vụ vận tải… góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Để thoát nghèo, chính quyền xã còn thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân đi xuất khẩu lao động thông qua các công ty có uy tín, vừa giải quyết việc làm cho lao động, vừa tăng thu nhập. Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm xã đưa hơn 10 lao động đi xuất khẩu sang thị trường: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhiều người chăm chỉ lao động tích cóp tiền gửi về cho gia đình xây dựng nhà tạo vốn gây dựng cơ nghiệp. Nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 5,9%.

Không chỉ khai thác, tận dụng tốt điều kiện sẵn có của địa phương mà chính quyền xã còn tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước vào xây dựng cơ sở vật chất phấn đấu thực hiện mục tiêu xã nông thôn mới vào năm 2020. Trạm y tế xã được đầu tư xây dựng với 8 phòng chức năng trị giá trên 2 tỷ đồng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Năm qua, UBND xã đã phối hợp với Công ty Linh Hoàng hoàn thành tuyến đường gần 1km từ khu 3 đi khu 4; đổ bê tông đoạn đường dài 500m từ Quốc lộ 70 đi khu 13, khu 8 với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đầu năm 2017, xã tiếp tục đầu tư xây dựng đường giao thông vào bãi rác thải ở khu 16 trị giá 300 triệu đồng. Các tuyến đường liên khu đã tạo thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2017 tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,5% và đạt được 16/19 tiêu chí nông thôn mới, xã Bằng Luân đã thực hiện nhiều giải pháp như: Thâm canh, tăng năng suất chất lượng cây ăn quả, riêng cây bưởi đặc sản sẽ trồng mới thêm 10ha so năm 2016; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương; tăng tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ; phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong huy động vốn và cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh nhất là những ngành nghề có lợi thế; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và huy động nguồn nội lực tại chỗ để hoàn thiện tiêu chí về giao thông củng cố xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để trở thành xã nông thôn mới theo kế hoạch đã đề ra./.