“Chắp cánh” cho học sinh, sinh viên nghèo đến trường

Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) hiện đang là chương trình tín dụng lớn mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh ủy thác thông qua các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương mang lại cơ hội học tập cho HSSV nghèo ở khắp các vùng, miền trong tỉnh.

20170822-m020.jpg
 
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Vĩnh Lộc kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng.
 
Theo chân cán bộ NHCSXH Vĩnh Lộc, chúng tôi về xã Vĩnh Ninh để tìm hiểu về nguồn vốn vay ưu đãi cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Gia đình bà Vũ Thị Liên là hộ nghèo ở thôn Kỳ Ngãi 2, có hai người con  đều thi đỗ vào các trường đại học. Khi các con vào đại học, ông bà trăn trở nhiều vì không biết lấy tiền đâu cho con ăn học. Từ khi có chương trình tín dụng HSSV, cả hai người con  của bà cũng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi này. Bà Liên cho biết, gia đình đã vay NHCSXH Vĩnh Lộc tổng cộng 84 triệu đồng để cho hai con học đại học trong suốt 4 năm.  Hiện  cả hai người con của gia đình bà Liên đã tốt nghiệp đại học.
 
Cùng chung hoàn cảnh với gia đình bà Liên, gia đình ông Nguyễn Văn Thi, ở thôn Kỳ Ngãi 2, xã Vĩnh Ninh cũng khó khăn về kinh tế khi người con trai đầu thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong lúc khó khăn, được hướng dẫn thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, gia đình ông Thi được vay vốn của NHCSXH  để cho con theo học đại học.
 
Thông qua hệ thống NHCSXH, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã và đang giúp cho các gia đình khó khăn có con em được theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. 6 tháng đầu năm 2017,  NHCSXH Thanh Hóa đã giải ngân cho hơn 3.500 HSSV được vay vốn, với số tiền hơn 20 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ chương trình tín dụng cho HSSV đạt gần 552  tỷ đồng với 22.169 hộ đang còn vay vốn.  Để giải ngân nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH Thanh Hóa tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền ngay tại điểm giao dịch, công khai thông tin về khách hàng, thường xuyên thông báo cho người dân biết trước thời hạn các khoản nợ phải trả để họ có thời gian chuẩn bị và trả nợ đúng hạn. Đối với những trường hợp sai phạm, cho vay không đúng đối tượng theo quy định, sử dụng vốn sai mục đích khi bị phát hiện sẽ có biện pháp xử lý, thu hồi kịp thời.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình tín dụng HSSV trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, như: Một số địa phương chưa thực hiện tốt việc lập danh sách các hộ thuộc đối tượng vay vốn, chưa quán triệt đầy đủ ý nghĩa của chương trình tín dụng này. Công tác kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành, nhất là các tổ chức chính trị xã hội làm nhiệm vụ ủy thác chưa thường xuyên dẫn đến việc đánh giá còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều HSSV tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm... và việc giúp gia đình các em trả nợ khá khó khăn. Vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc định hướng, tư vấn nghề cho HSSV. Gia đình HSSV cũng cần quan tâm  tới việc giúp các em lựa chọn học ở những cơ sở đào tạo, phù hợp với khả năng, sở trường, điều kiện gia đình để  khi tốt nghiệp ra trường sớm tìm được việc làm ổn định. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, nhà trường cần có các giải pháp đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho người lao động. Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp có kế hoạch giúp đỡ hộ nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao cuộc sống./.