Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình: Điểm tựa của người nghèo

Qua 15 năm thành lập và phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Bình thực hiện chính sách tín dụng tại địa bàn TP. Đồng Hới đã và đang nỗ lực hết mình trong việc mở rộng các hoạt động nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng vay vốn của nhân dân; góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội và từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững...

NHCSXH tỉnh Quảng Bình được thành lập nhằm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Đồng Hới nói riêng. Khi mới đi vào hoạt động, đơn vị chỉ được tiếp nhận bàn giao 2 chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm.
 
Đến nay, sau 15 năm, tại địa bàn thành phố, đơn vị đã thực hiện cho vay 9 chương trình gồm: cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ nghèo làm nhà ở, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ thoát nghèo.
 
Ông Hoàng Ngọc Đan, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tại TP.Đồng Hới khẳng định, với mạng lưới rộng khắp và hoạt động mang tính xã hội hóa cao, vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã đến được với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tất cả các thôn, tổ dân phố của 16/16 xã, phường trên địa bàn thành phố.
 
Hiện, doanh số cho vay đạt 509,5 tỷ đồng, với 40.306 lượt khách hàng được vay vốn (tăng gấp 40 lần so với ngày đầu thành lập) và nguồn vốn tín dụng ưu đãi bình quân 9 tỷ đồng/xã, phường (tăng 8 tỷ đồng so với thời điểm thành lập). Chính từ nguồn vốn này, phong trào phát triển sản xuất của hộ gia đình không ngừng được mở rộng và đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, kinh doanh hộ gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Để có được thành quả này, phải kể đến sự nỗ lực, chung sức của NHCSXH khi đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, giúp họ có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Cần cù, chăm chỉ và giàu kinh nghiệm sản xuất, nhưng vì thiếu vốn, nên hộ gia đình chị Nguyễn Thị Liên, ở thôn Đức Sơn, xã Đức Ninh luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau và thuộc diện hộ nghèo của xã.
 
Trong lúc khó khăn nhất, chị được vay 50 triệu đồng của NHCSXH tỉnh. Có nguồn vốn trong tay, chị đã đầu tư chuồng trại kiên cố, phát triển chăn nuôi. Hiện tại, gia đình Liên đang sở hữu một mô hình tổng hợp, gồm: lợn, gà, ngan, ngỗng..., cho lợi nhuận hàng năm trên 50 triệu đồng.
 
20170822-m011.jpg
NHCSXH tỉnh thực hiện huy động vốn thông qua dịch vụ tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã.
 
Gia đình chị Hoàng Thị Lựu và anh Võ Văn Dục ở tổ dân phố Nam Hồng, phường Phú Hải cũng là một trong những hộ thoát nghèo nhờ hỗ trợ vốn của NHCSXH. Chị Lựu chia sẻ: “...đồng vốn NHCSXH đặc biệt quan trọng đối với gia đình thuần nông như chúng tôi”. Gia đình chị từ trước đến nay chuyên làm nông nghiệp, số tiền kiếm được mỗi ngày không đủ để chi phí cho cuộc sống và nuôi con ăn học.
 
Khi NHCSXH bắt đầu có chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, được sự hỗ trợ và giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, gia đình chị Lựu được vay 50 triệu đồng giải quyết việc làm, cộng với số tiền tích lũy, chị đã đầu tư sản xuất trong chăn nuôi lợn, gà và đào ao thả cá, cua cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
 
Phần lớn các hộ gia đình tham gia vay vốn đều cho rằng, nguồn vốn NHCSXH tuy không nhiều nhưng chính là động lực để họ triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh. Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, “Cùng với cơ chế thuận lợi, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi, NHCSXH có nhiều ưu đãi, trong đó ưu đãi lớn nhất là một hộ có thể vay vốn của nhiều chương trình khác nhau. Do đó, dù mức vay tối đa mỗi chương trình có thể chưa lớn, nhưng cộng lại thì họ đã có đủ nguồn lực cho kế hoạch phát triển kinh tế của gia đình mình và đây sẽ là nhân tố tích cực để hành trình xóa nghèo thêm bền vững...”.
 
Trong 15 năm qua, đi đôi với việc hỗ trợ phát triển kinh tế, nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh  tại thành phố còn góp phần xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, xuất khẩu lao động... Điều này khẳng định, hoạt động của NHCSXH ngày càng phát triển, mở rộng về chương trình, đối tượng thụ hưởng và quy mô vốn đầu tư cho hộ nghèo, đối tượng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.
 
Cụ thể, trong 15 năm nguồn vốn đầu tư của NHCSXH tỉnh tại Đồng Hới đã thu hút và tạo việc làm cho gần 42 nghìn lao động; số hộ vay vốn đã thoát ngưỡng nghèo đói là 8.863 hộ; có 8.563 học sinh, sinh viên vay vốn để học tập; gần 100 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài có thu nhập ổn định; trên 18.200 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng; 31 hộ nghèo xây dựng được nhà ở mới... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP. Đồng Hới giảm còn dưới 0,85%.
 
Để các chương trình bảo đảm đúng đối tượng và được vay vốn thuận lợi, NHCSXH tỉnh tại đã phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội và chính quyền địa phương xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, tổ dân phố.
 
Đến nay, thành phố đã thành lập được 162 tổ tiết kiệm và vay vốn với nhiệm vụ được giao là: tổ chức họp bình xét vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay; giáo dục, tuyên truyền ý thức trả nợ cho người vay; tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm; thực hiện tốt công tác thu lãi, thu tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng; theo dõi đôn đốc kịp thời các khoản nợ đến hạn; phối hợp tốt công tác xử lý nợ tồn đọng, nợ bị rủi ro...
 
Nhờ đó, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh tại Đồng Hới đạt 116,6 tỷ đồng với 6 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể là Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đạt 115.162 triệu đồng, chiếm 98,9% tổng dư nợ.
 
Bà Mai Thị Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN TP.Đồng Hới cho rằng, vốn của NHCSXH rất quan trọng để những hộ nghèo, đối tượng chính sách vươn lên và họ cũng sẽ có ý thức sản xuất, kinh doanh để đồng vốn được phát huy. Thêm vào đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự đồng hành của cán bộ tín dụng, tổ chức hội, đoàn thể giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách thêm tự tin vào lựa chọn của mình, cũng như kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
 
Một điểm nổi bật nữa trong 15 năm qua là ngoài nguồn vốn tăng trưởng chính từ ngân hàng cấp trên, NHCSXH tỉnh tại TP. Đồng Hới cũng đã thực hiện có hiệu quả công tác huy động vốn trên địa bàn, trong đó chú trọng huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện, đơn vị đã có vốn huy động trên 24 tỷ đồng, trong đó, số tiền gửi tiết kiệm dân cư là 17,87 tỷ đồng và tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn là 6,23 tỷ đồng...
 
Công tác phối hợp giữa NHCSXH tỉnh với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể tại TP. Đồng Hới nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, góp phần tạo nhiều việc làm mới, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và hướng tới mục tiêu chung là xây dựng TP.Đồng Hới ngày càng giàu đẹp, văn minh./.