Ngược núi xem bà con Pa Hy làm giàu

Với ý thức tự vươn lên thoát nghèo, cùng sự trợ giúp của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số sống tại 2 bản Hạ Long, Khe Trăng (Phong Mỹ, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hạ Long và Khe Trăng, xã Phong Mỹ là 2 bản thuộc diện 135 với dân cư đa số là bà con dân tộc thiểu số Pa Hy và Vân Kiều, trong đó người Pa Hy chiếm tỷ lệ cao nhất. Trước đây, người Pa Hy chủ yếu làm nương rẫy và có cuộc sống du canh du cư nay đây mai đó. Vì thế, đời sống kinh tế của bà con rất nghèo khó. Tuy nhiên hiện nay, người Pa Hy nói chung và người Pa Hy ở xã Phong Mỹ đã biết định cạnh định cư để ổn định cuộc sống, đồng thời chăm chỉ làm ăn, đa dạng hóa sinh kế, phát triển kinh tế gia đình ngày càng đi lên.
 
20170821-m13.jpg
 
Mô hình nuôi gà thảo dược của gia đình chị Lê Thị Na.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Na, người Pa Hy (SN 1983, ở bản Hạ Long). Bản thân chị Na được biết đến là một Bí thư xã Đoàn vô cùng năng động. Bên cạnh đó, chị và chồng là anh Trần Ngọc Chung (cũng là người Pa Hy) còn được mọi người thán phục bởi khả năng xây dựng, phát triển kinh tế gia đình. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng cặp vợ chồng người Pa Hy này đã sở hữu trong tay 3 ha rừng keo thương mại, trong đó có 2 ha đang cho khai thác với giá trị từ 35 - 45 triệu/ha; 5 con bò thương phẩm và sinh sản; một trại gà ri chân vàng 1.000 con. Hai vợ chồng cũng đào thêm ao thả cá, nuôi heo thương phẩm, làm vườn trồng rau phục vụ cuộc sống gia đình hàng ngày.
 
Mô hình đáng kể nhất của gia đình chị Na và cũng là mô hình đang được nhiều hộ dân ở Phong Mỹ khác học hỏi, áp dụng là trại nuôi gà ri chân vàng bằng thảo dược. Năm 2016, với sự giúp đỡ về kỹ thuật và nguồn giống của Trường Đại học Nông Lâm Huế, chị Na mạnh dạn đầu tư vốn nuôi thử 300 con gà ri chân vàng bằng thảo dược. Nhờ đó, gia đình chị đã trở thành một trong những hộ người Pa Hy đầu tiên thử nghiệm thành công mô hình nuôi gà bằng thảo dược trên địa bàn xã Phong Mỹ.
 
“Với lợi thế là sẵn có quỹ đất rộng, phù hợp với việc nuôi gà. Hơn nữa, các loại cây thảo dược như: sả, tỏi, húng quế, cam thảo đều có sẵn và có thể trồng được nên khi được chuyển giao kỹ thuật, vợ chồng tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi thử gà ri theo phương thức mới này. Do gà được nuôi theo quy trình chặt chẽ, thức ăn có các loại thảo dược nên gà thương phẩm thịt chắc, thơm, ngon. Do đó khi mang ra thị trường loại gà này bán rất chạy, thậm chí cung không đủ cầu”, chị Na cho biết.
 
20170821-m14.jpg
 
Theo chị Na, gà ri chân vàng nuôi từ 5 - 6 tháng có thể xuất bán, nên gia đình chị hiện nuôi theo kiểu gối đầu.

Được biết, mô hình gà thảo dược Phong Mỹ được phát triển bởi Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung, Trường Đại học Nông lâm Huế vào năm 2016 thông qua dự án “Nâng cao hiệu quả các chương trình đầu tư công trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thừa Thiên Huế”. Gà thảo dược được nuôi theo quy trình gà thả vườn. Vật liệu đầu vào bao gồm: Sử dụng giống gà ri truyền thống được tuyển chọn kỹ từ Trung tâm Huấn luyện chăn nuôi (Viện chăn nuôi Quốc gia); thức ăn gồm lúa, cám gạo, bắp, sắn, khoáng chất và thảo dược được tuyển chọn từ những cây cỏ tự nhiên có giá trị dược liệu như: tỏi, đinh lăng, quế, xạ can, cam thảo, khuynh diệp, húng quế, sả, gừng, riềng, nghệ, mơ lông... Tổ sản xuất có 10 thành viên tham gia với quy mô sản xuất bình quân 10.000 con gà/năm. Với giá bán bình quân dao động từ 95.000 - 120.000đ/kg, lợi nhuận bình quân mỗi hộ đạt từ 20 - 25 triệu/vụ. Đây là nguồn thu nhập khá lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số Pa Hy.
 
Sang bản Khe Trăng, chúng tôi được giới thiệu đến thăm gia đình ông bà Nguyễn Văn Muốc và Phan Thị Khuyên, đại gia “vàng trắng” một thời. Ông Muốc vốn là một cựu chiến binh, từng tham gia chiến đấu ở chiến khu Hòa Mỹ và được học chữ trong thời binh lửa. Trở về quê, ông lại được bà con thôn bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Là Trưởng bản, khi nhìn thấy đời sống cực khổ của đồng bào mình, ông Muốc đã không can tâm, quyết tìm ra hướng đi đúng đắn để giúp người dân ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo. Vì thế, vào năm 1993, ông đã trở thành người tiên phong mang cây cao su về trồng ở bản Khe Trăng, qua đó mở ra một trang mới cho vùng đất bên bờ sông Ô Lâu này.
 
20170821-m15.jpg
 
Bà Khuyên "khoe" vườn thanh trà sai trĩu quả của gia đình.

Những năm cuối 90 và đầu thập kỷ 2000, phong trào trồng cao su tiểu điền ở Khe Trăng nói riêng, xã Phong Mỹ nói chung khá sôi động. Hàng nghìn ha cây cao su được trồng mới. Đến khi thu hoạch mủ, loại “vàng trắng" này đã thực sự thay đổi đời sống của người dân, biến họ trở thành những đại gia thực sự của núi rừng. Bản thân gia đình ông Muốc, bà Khuyên có lúc nắm trong tay số diện tích cao su lên đến 6 ha với múc thu nhập từ nó đạt khoảng 400 triệu đồng/năm.
 
Không chỉ trồng cao su, gia đình ông Muốc bà Khuyên còn khai hoang, đầu tư vốn liếng trồng nhiều diện tích rừng keo thương mại, trầm gió, sắn cao sản, thanh trà, trồng tiêu. Hiện nay gia đình ông Muốc có hơn 20 ha keo thương mại; 1,2 mẫu tiêu; hơn 100 gốc thanh trà, trong đó có 20 gốc đã cho thu hoạch, đạt 8 - 10 triệu/vụ. “Từ khi không còn sống theo kiểu du canh, du cư nữa và được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, gia đình chúng tôi cũng như nhiều hộ dân là người đồng bào ở Khe Trăng đã có cuộc sống ấm no, nhiều gia đình trở thành hộ giàu của làng”, bà Khuyên cho biết.
 
Gia đình chị Na, ông Muốc là những tấm gương để các hộ dân khác noi theo. Chị Na giờ có nguồn cung cấp giống uy tín và đầu ra ổn định, trở thành đầu tàu của mô hình nuôi gà thảo dược Phong Mỹ. Trong khi đó, học theo gia đình ông Muốc, hầu hết các hộ dân ở Khe Trăng, Hạ Long đều có trong tay ít nhất 1 đến vài ha rừng keo hoặc cao su, mang lại nguồn thu nhập hàng 100 triệu mỗi năm./.