Hỗ trợ đồng bào tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Khẩn trương hoàn thiện, bổ sung những nội dung phù hợp, thiết thực để đề án mang tính khả thi cao nhất, là yêu cầu của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng với Đề án “Hỗ trợ đồng bào DTTS tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS”.

20170821-m5.jpg

Máy tính có kết nối Internet sẽ giúp thông tin đến được kịp thời với các xã, bản vùng cao

Tiếp cận công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế
 
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng tại nhiều vùng đồng bào DTTS và miền núi, điều kiện tiếp cận thông tin của bà con vẫn còn nhiều hạn chế.
 
Kết quả điều tra mới cho thấy, đài/radio/cát sét là phương tiện có chi phí thấp và dễ tiếp thu nhất đối với các hộ gia đình DTTS. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có đài/radio/cát sét đang giảm dần, thay vào đó số lượng ti vi tăng dần. Đến nay, có 26 DTTS có tỷ lệ hộ sở hữu ti vi cao trên 80%, trong đó dân tộc Hoa và Sán Dìu có tới hơn 95% số hộ đã có ti vi. Dân tộc Khơ Mú, Mảng, La Hủ, Xinh Mun là những dân tộc có số hộ sử dụng đài và ti vi đều ở mức thấp... Tỷ lệ đồng bào sử dụng điện thoại, trong đó có điện thoại thông minh cũng đang ngày càng tăng cao, nhưng vẫn tập trung ở các dân tộc có thu nhập ở nhóm cao như: Hoa, Sán Dìu, Tày, Sán Chay, Mường. Với các tỉnh khu vực miền núi, loa truyền thanh vẫn là phương tiện thông tin, tuyên truyền quan trọng đối với các hộ đồng bào chưa có điều kiện trang bị các phương tiện thu phát sóng truyền thông. Tuy vậy, số lượng loa phát thanh vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
 
Đặc biệt, đến nay việc tiếp cận với máy tính và internet đối với đồng bào DTTS cũng còn rất hạn chế. Các dân tộc Si La, Chứt, La Hủ, Xinh Mun chỉ có dưới 1% số hộ có máy vi tính. Các dân tộc La Hủ, Kháng, Khơ Mú, Rơ Măm… rất hiếm hộ có máy tính kết nối internet.
 
Bên cạnh đó, tỷ lệ trường học có dạy môn tin học thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận với máy tính và internet. Theo số liệu báo cáo ICT index, một số tỉnh tập trung đông đồng bào DTTS có tỷ lệ trường học có dạy tin học thấp là: Điện Biên, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum, Bạc Liêu, Bình Phước…
 
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào
 
Để khắc phục những hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin ở vùng DTTS và miền núi, Nhà nước đã có nhiều quy hoạch, đề án, chương trình phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng chưa có đề án nào trọng tâm hướng tới đồng bào DTTS. Trong khi, để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trong thời buổi hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
 
Xác định được vấn đề này, mới đây Ủy ban Dân tộc đã xây dựng dự thảo Đề án “Hỗ trợ đồng bào DTTS tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS”. Trong đó, mục tiêu của đề án là xây dựng, hoàn thiện hạ tầng và nền tảng công nghệ thông tin; xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho đồng bào DTTS. Hiện dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Đánh giá về việc xây dựng đề án, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng cho rằng: Để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, bà con sẽ phải tập trung vào sản xuất hàng hóa; tăng cường các dịch vụ. Những lĩnh vực này đòi hỏi thông tin cập nhật về dự báo thời tiết, mùa vụ, giá cả… từ đó biết trồng con gì, nuôi con gì, bán ở đâu, bán giá bao nhiêu, vào thời điểm nào là tốt nhất? Chính vì vậy, công nghệ thông tin sẽ là kênh quan trọng để đồng bào tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả với thị trường. Bên cạnh đó, một số tổ chức phản động cũng đang sử dụng các kênh thông tin để tạo ra những dư luận không đúng đắn, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự vùng DTTS. Thực tế này đòi hỏi, thông tin chính thống của chúng ta phải nhanh hơn, độ phủ rộng hơn để giúp đồng bào có suy nghĩ, nhận thức đúng về những chế độ, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ưu ái dành cho vùng DTTS và miền núi.../.