Ngành TT&TT tập trung triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao

Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ TT&TT diễn ra sáng ngày 14/7/2017 vừa qua, tại Hà Nội. Với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành TT&TT đã góp phần xây dựng Chính phủ và hệ thống hành chính liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

20170817-l3.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Ngành TT&TT đã bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ
 
Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành TT&TT đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Công tác quản lý nhà nước (QLNN) trên các lĩnh vực TT&TT tiếp tục được duy trì tốt, góp phần xây dựng Chính phủ và hệ thống hành chính liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành ổn định, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
 
Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại: Các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại đã thông tin, tuyên truyền tốt, phản ánh đầy đủ, chính xác và kịp thời quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 của cả nước; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; công tác đối ngoại và nhiều sự kiện lớn, trọng đại của đất nước...
 
Bộ TT&TT đã chỉ đạo, định hướng đưa tin chính xác, toàn diện, đồng thời phân tích phản bác có hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; Phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý những thông tin sai sự thật, chống phá, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, nhân dân. Làm việc với Facebook và Google nhằm thiết lập cơ chế trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên các nền tảng khác của Google như: blogspot hay các trang web sử dụng hạ tầng của Google. Facebook cam kết sẽ phối hợp với Bộ TT&TT ưu tiên gỡ bỏ thông tin giả danh và tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là tài khoản giả mạo các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đồng thời sẽ thiết lập một kênh riêng phối hợp trực tiếp với Bộ nhằm đáp ứng các yêu cầu từ phía Bộ cũng như các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Hiện tại, các doanh nghiệp này đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện xử lý hàng nghìn nội dung thông tin vi phạm pháp luật (riêng Youtube đã gỡ bỏ hơn 3776 clip; 106 tài khoản giả mạo; Facebook đã xóa 600 tài khoản). Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tiến hành xử phạt đối với các trường hợp doanh nghiệp Việt Nam quảng cáo trên các clip, trang web sai phạm.
 
20170817-l1.jpg
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị
 
Đồng thời, Bộ TT&TT đã tích cực, chủ động triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý Báo chí toàn quốc đến năm 2025. Cung cấp thông tin về công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền cho báo chí. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Báo chí mới ban hành. Chỉ đạo các nhà xuất bản kiểm soát chặt chẽ nội dung các xuất bản phẩm và chấn chỉnh việc thực hiện điều kiện liên kết xuất bản.
 
Đối với lĩnh vực bưu chính, viễn thông, internet và tần số vô tuyến điện: Các hệ thống thông tin liên lạc và mạng bưu chính phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; hoạt động khai thác mạng lưới, vận chuyển, chuyển phát đều được đảm bảo hoạt động động ổn định, an toàn, thông suốt. Các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện các quy định về sim rác, tin nhắn rác, thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn. Thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông triển khai cung cấp dịch vụ 4G trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ nội dung trên nền tảng 4G. Ngoài ra, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định tại tất cả các tỉnh, thành phố và triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020 cũng được triển khai tích cực, theo đúng lộ trình đã đặt ra.
 
Đối với lĩnh vực CNTT: Bộ TT&TT đã ban hành báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin mạng, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
 
Đặc biệt vừa qua, Bộ TT&TT đã kịp thời đưa ra cảnh báo tới các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam về các phương thức tấn công khai thác hệ thống mới của nhóm tin tặc Shadow Brokers; cảnh báo và khuyến nghị xử lý trước nguy cơ bị mã độc WannaCry tấn công, mã hóa dữ liệu quan trọng để đòi tiền chuộc, đồng thời đưa ra những hướng dẫn để thực hiện các biện pháp xử lý khẩn cấp mã độc này. Những nỗ lực này là một trong những nguyên nhân giúp việc Việt Nam ít bị ảnh hưởng trong khi rất nhiều nước khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống VBPL thuộc ngành TT&TT
 
Cũng tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế cần sớm khắc phục như: Một số văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch do Bộ ban hành còn phải điều chỉnh tiến độ xây dựng; Tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Một số cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp nhà báo gây tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu các doanh nghiệp truyền hình trả tiền. Một số trang thông tin điện tử có bài viết, clip mang tính chất tuyên truyền, cổ xúy, đưa thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam…
 
Vấn đề vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện; nhiều đơn vị vi phạm thiết lập mạng xã hội có hệ thống máy chủ ở nước ngoài, sử dụng tên miền quốc tế để cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, gây trở ngại, phức tạp cho việc xử lý trong bối cảnh lực lượng quản lý nhà nước cùng trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật ngăn chặn còn hạn chế.
 
Tình trạng các nhà xuất bản thiếu kiểm soát chặt chẽ các xuất bản phẩm liên kết với đối tác phát hành, để xảy ra việc đối tác phát hành chỉnh sửa nội dung trên bản thảo nhà xuất bản đã phê duyệt. Tình trạng in lậu sách vẫn còn diễn ra với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, nhà xuất bản, bạn đọc và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
 
Vấn nạn SIM kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao không đúng, Sim rác vẫn còn tồn tại; mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về đăng ký và quản lý thuê bao di động trả trước còn chưa mang tính răn đe, trong khi một số quy định hiện hành chưa phù hợp. Đặc biệt, Việt Nam vẫn là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới. Nhiều cơ quan, tổ chức không thực hiện kiểm tra, đánh giá, quản lý rủi ro về an toàn thông tin dẫn đến không phát hiện ra những nguy cơ, lỗ hổng, mã độc tiềm ẩn sẵn trong hệ thống từ trước; Một số trang thông tin của các cơ quan, đơn vị vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát; Nguồn nhân lực an toàn thông tin Việt Nam hiện nay còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng...
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ rõ: Sáu tháng cuối năm 2017, toàn Ngành cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng lãng phí, cải cách hành chính và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực thi nhiệm vụ. Tập trung xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực TT&TT, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
 
Đặc biệt, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ quan thông tấn, báo chí, hoạt động thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại; tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là việc triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch. Thực hiện tốt Luật Báo chí và định hướng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đặc biệt, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Báo chí; quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề bản quyền, đặc biệt đối với bản quyền các chương trình truyền hình.
 
Mặt khác, xây dựng các chính sách nhằm quản lý thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau, hạn chế SIM rác. Tăng cường biện pháp thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên thị trường. Hoàn thành việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Chỉ đạo phát triển bền vững dịch vụ viễn thông 4G. Triển khai Đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao. Tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định.
 
Bộ trưởng cho rằng, ngành TT&TT cần đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tích cực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin và tuyên truyền để nâng cao nhận thức toàn xã hội về an toàn thông tin. Hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức giám sát và ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công mạng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trên tất cả các lĩnh vực TT&TT, đặc biệt là lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông, thông tin điện tử, Internet.