Tiết kiệm nhỏ, hiệu quả lớn

Phong trào thi đua “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” đã trở thành nếp nghĩ, cách làm của nhiều hội viên, phụ nữ cả nước. Từ việc tích cóp những đồng tiền lẻ hằng ngày đã giúp chị em phụ nữ không chỉ hình thành thói quen tiết kiệm trong chi tiêu, mà còn thể hiện tinh thần “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”.

20170811-m20.JPG
 
Hội Phụ nữ phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) gây quỹ từ mô hình "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm".

Chia sẻ khó khăn

Ngay từ sáng sớm, các chị em trong Câu lạc bộ Phụ nữ và pháp luật tại phường Bạch Ðằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đã có mặt đông đủ để tham gia chương trình thường niên của phường. Không chỉ được nghe tư vấn về pháp luật mà điều đặc biệt hơn trong chương trình lần này là sự háo hức, phấn khởi của các chị em hội viên khi mang theo những chú lợn nhựa đã được "nuôi nấng" trong thời gian qua, để tổng kết số tiền tiết kiệm được theo mô hình "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm" do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội phát động. Cũng như nhiều phụ nữ khác sống ở phường Bạch Ðằng, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Dương Thị Thắm là một trong những người hăng hái tham gia phong trào tiết kiệm lợn nhựa trong nhiều năm. Bà Thắm cho biết, mỗi hội viên được khuyến khích nuôi lợn nhựa tại nhà, với số tiền bỏ vào lợn hằng ngày từ năm đến 10 nghìn đồng, tùy vào hoàn cảnh mỗi hội viên. Số tiền tích góp được sẽ hỗ trợ, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời được dùng vào những hoạt động thiện nguyện, như: tặng học bổng cho con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi; tặng quà gia đình chính sách; hỗ trợ tiền sửa nhà giúp hội viên nghèo... Ðây là mô hình có cách làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao, chính vì thế có sức hút và nhận được sự đồng thuận của những người tham gia. Mỗi đồng tiền tiết kiệm được đóng góp vào công tác từ thiện của Hội phụ nữ và điều thiết thực hơn là để mỗi gia đình biết cách tiết kiệm như thế nào và chi tiêu ra sao mỗi khi có việc khó khăn, cấp bách.

Ngoài "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm", mô hình "Chi hội phụ nữ giúp nhau tiết kiệm" cũng được triển khai và được hội viên, phụ nữ hăng hái tham gia. Mô hình khuyến khích các chị em tại cơ sở tự giác tiết kiệm để chủ động nguồn vốn, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, với mức tiết kiệm từ 10 nghìn đồng/ tháng. Mỗi chi hội sau 5 năm thì số tiền tiết kiệm thấp nhất khoảng 20 triệu đồng và nhiều nhất là 50 đến 60 triệu đồng. Từ quỹ tiết kiệm này, việc giúp đỡ, hỗ trợ chị em khó khăn cũng trở nên đa dạng và linh hoạt, từ việc sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ vốn kinh doanh, mua cây, con giống phát triển sản xuất; giúp những hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp để giúp chị em giải quyết gánh nặng mưu sinh, vươn lên ổn định trong cuộc sống.

Chất keo gắn kết

Xác định hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững là cầu nối giữa tổ chức hội với hội viên. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh, Hội Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập các tổ tiết kiệm tự nguyện với nhiều loại hình tiết kiệm phù hợp từng nhóm đối tượng. Từ năm 2015, để giúp đỡ hội viên, phụ nữ ổn định cuộc sống, Hội LHPN xã Vinh Thái, huyện Phú Vang đã triển khai phong trào "Tiết kiệm tặng lợn cho phụ nữ nghèo". Theo đó, hội đã vận động mỗi hội viên tiết kiệm năm nghìn đồng/tháng để mua lợn giống tặng chị em có hoàn cảnh khó khăn. Khi lợn phát triển và sinh sản tốt, trong ba lứa đầu, chị em nộp lại cho hội một con lợn giống để tặng lại các hội viên có hoàn cảnh khó khăn khác. Chính nhờ vậy, nhiều chị em được giúp đỡ đã dần ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu bền vững.

Chị Phan Thị Thiết, là một trong những hộ nghèo ở xã Vinh Thái được Hội phụ nữ xã tặng một con lợn giống. Hoàn cảnh khó khăn, chị Thiết một mình nuôi hai con nhỏ. Những lúc nông nhàn, chị lại tranh thủ đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Từ phong trào "Tiết kiệm tặng lợn cho phụ nữ nghèo", Hội phụ nữ xã Vinh Thái đã trao tặng chị Thiết một con lợn giống. Nhận lợn giống, chị Thiết cần cù chăn nuôi, đến nay, lợn đã sinh được ba lứa, mỗi lứa từ 10 đến 14 con. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi lứa chị Thiết thu lãi từ năm đến sáu triệu đồng. Chị Thiết chia sẻ: Nhờ các chị em trong chi hội quan tâm, giúp đỡ mà cuộc sống của mấy mẹ con tôi đã vơi bớt nhọc nhằn. Ðây cũng là động lực để bản thân tôi cũng như nhiều chị em ở đây nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Có thể nói, nguồn vốn thông qua các mô hình tiết kiệm của chị em phụ nữ tuy không lớn nhưng đã và đang là giải pháp hữu hiệu trong việc tạo nguồn vốn, đáp ứng một phần nhu cầu về vốn vay phát triển kinh tế gia đình cho hội viên, phụ nữ tại nhiều địa phương. Ðiều đó đã giúp uy tín của tổ chức Hội phụ nữ ngày càng nâng cao, trở thành cầu nối, chỗ dựa tin cậy cho chị em tham gia, góp phần phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Nhân dân điện tử)