Kiên quyết xử lý cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền để trục lợi

Đó là yêu cầu Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ tại Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước của Bộ TT&TT tháng 5/2017. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu kiên quyết xử lý tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi và làm trái pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp nhà báo ngày càng gia tăng gây tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí.

20170811-l1.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban QLNN tháng 5/2017

Kiên quyết chấn chỉnh nhà báo lạm quyền, trục lợi
 
Theo báo cáo của Cục Báo chí tại Hội nghị, trong tháng 5/2017, Cục đã tăng cường công tác chấn chỉnh vi phạm của 1 số cơ quan báo chí, thu hồi 2 thẻ nhà báo của 2 cơ quan, thanh tra 1 cơ quan, xử phạt 2 cơ quan. Mặt khác, tình trạng báo chí bị thương mại hóa có xu hướng nghiêm trọng hơn bằng việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Đặc biệt là tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi và làm trái pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp ngày càng gia tăng gây tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí.
 
Cũng liên quan đến báo chí, đại diện Cục Báo chí cho biết, Cục đã xây dựng Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2040. Đứng trước những vấn đề tồn tại nêu trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Bộ trưởng yêu cầu Cục Báo chí cần phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý văn phòng đại diện các cơ quan báo chí tại địa phương, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường quản lý lĩnh vực báo chí, xử lý kiên quyết dứt điểm các vụ việc; Chủ trì, rà soát lại việc cấp giấy phép báo chí, đặc biệt là tạp chí điện tử, bảo đảm bám sát định hướng Quy hoạch phát triển báo chí đến năm 2025; Rà soát, kiểm tra lại việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí, hoạt động của cơ quan đại diện, văn phòng thường trú, phóng viên thường trú.

Bộ trưởng nêu rõ: “Cục Báo chí soạn thảo các văn bản chấn chỉnh hoạt động các cơ quan đại diện, văn phòng thường trú. Trong văn bản yêu cầu rõ cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí phải nêu cao trách nhiệm của mình. Người đứng đầu cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm với hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú”. Đối với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ trưởng cũng giao chủ trì phối hợp với Cục Báo chí rà soát việc cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; Kiểm tra việc cung cấp nội dung thông tin theo giấy phép của trang thông tin điện tử tổng hợp; Ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp. Bên cạnh đó, Tư lệnh Ngành TT&TT đã yêu cầu Thanh tra Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ tiếp tục kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định pháp luật của hoạt động văn phòng đại diện, các cơ quan báo chí, xử nghiêm các cơ quan báo chí có sai phạm, công khai kết quả xử lý vi phạm sau thanh tra đột xuất việc chấp hành quy định pháp luật...

Quyết liệt ngăn chặn SIM rác, tin nhắn rác tái phát
 
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã thẳng thắn cảnh báo, nếu các cơ quan quản lý và doanh nghiệp viễn thông di động không quyết liệt, thường xuyên triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý mạnh tay, tình trạng SIM rác, tin nhắn rác sẽ sớm quay trở lại quấy nhiễu người dùng. Mặt khác, thời gian gần đây bắt đầu có hiện tượng tin nhắn rác với nội dụng quảng cáo SIM số đẹp, nhà đất, ... tăng trở lại. Tình trạng này tái diễn bất chấp việc 5 doanh nghiệp viễn thông di động gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile và GTel đã ký cam kết với Bộ về việc phối hợp tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác, với thời gian triển khai cam kết bắt đầu từ 1/7/2017.
 
20170811-l2.jpg
 
Toàn cảnh buổi giao ban QLNN tháng 5/2017
 
Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, trong tháng 5/2017, các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc việc ngăn chặn tin nhắn rác. Theo đó, trong tháng 5, VNPT chặn được tổng cộng 340 nghìn tin nhắn rác, tương đương 12.500 tin nhắn rác/ngày, với tổng số thuê bao bị chặn là 6.500 thuê bao, tương đương 240 thuê bao/ngày, đạt tỉ lệ chặn là hơn 90%. Mobifone trong tháng 5 đã thu hồi khoảng 4,3 triệu thuê bao, khóa tài khoản 825.000 thuê bao. Tổng tin nhắn rác bị chặn trong tháng 5 là trên 11 triệu, giảm 43,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện Viettel cho biết Viettel vẫn nghiêm túc triển khai các hoạt động chặn tin nhắn rác (trong đó, đáng lưu ý tin nhắn rác đến từ mạng Vietnammobile chiếm tỉ lệ cao nhất, hơn 50%).
 
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận những kết quả đạt được của các doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, người đứng đầu Ngành TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện, đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp triển khai cam kết đã ký. "Như tôi đã nói, việc xử lý SIM rác, tin nhắn rác cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục như đánh răng, rửa mặt hàng ngày. Nếu vấn đề này chúng ta làm không quyết liệt, tin nhắn rác, SIM rác sẽ quay trở lại", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
 
Đối với các nhà mạng để xảy ra tình trạng tin nhắn rác nhiều, lãnh đạo Bộ đề nghị Cục Viễn thông tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Từ ngày 1/6/2017, giá cước dịch vụ chuyển vùng quốc tế sẽ do nhà mạng chủ động đàm phán theo nguyên tắc thỏa thuận thương mại, phù hợp với thực tế kinh doanh dịch vụ chuyển vùng quốc tế đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia. Vì vậy, Bộ trưởng giao cho Cục Viễn thông tổ chức họp bàn với các doanh nghiệp, nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích thúc đẩy sử dụng thuê bao trả sau - một biện pháp giúp hạn chế tin nhắn rác. Đồng thời, Cục Viễn thông cũng có nhiệm vụ đề xuất các biện pháp quản lý giá cước và khuyến mại dịch vụ di động, nhất là đối với dịch vụ 4G, đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Bộ để thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Do đó, tất cả các doanh nghiệp viễn thông, di động đã ký cam kết ngăn chặn tin nhắn rác nghiêm túc thực hiện theo đúng cam kết từ 1/7/2017. Cục Viễn thông tăng cường kiểm tra xử lý nhà mạng có nhiều tin nhắn rác.
 
Trong lĩnh vực CNTT, theo ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, trong tháng 5 sự cố mã độc tống tiền WannaCry đồng loạt tấn công trên khắp toàn cầu vào ngày 12/5 và gây ra nhiều tác hại lớn. Trước vấn đề trên, VNCERT và Cục ATTT (thuộc Bộ TT&TT) đã phối hợp cảnh báo, hướng dẫn đến các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành và địa phương về loại mã độc này. Do đó, sự cố này nằm trong tầm kiểm soát và Việt Nam không bị ảnh hưởng như một số nước trên thế giới. 
 
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã ghi nhận VNCERT và Cục An toàn thông tin đã rất nỗ lực và kịp thời đưa ra cảnh báo tới các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam về các phương thức tấn công khai thác hệ thống mới của nhóm tin tặc Shadow Brokers. Hai cơ quan này cũng đã tích cực cảnh báo, khuyến nghị xử lý trước nguy cơ mã độc WannaCry tấn công, mã hóa dữ liệu quan trọng đòi tiền chuộc, đồng thời đưa ra những hướng dẫn để thực hiện các biện pháp xử lý khẩn cấp mã độc này. Kết quả là, Việt Nam đã vượt qua sự cố với hậu quả được giảm thiểu tới mức thấp nhất so với thế giới. "Thành tích trên đã được các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đánh giá cao và khen ngợi...". Bộ trưởng thay mặt Lãnh đạo Bộ biểu dương những nỗ lực vừa qua của VNCERT cũng như Cục ATTT và đề nghị 2 cơ quan này tiếp tục rà soát kiểm tra, đưa ra cảnh báo và hướng dẫn cách đối phó, xử lý nếu xảy ra sự cố tương tự. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phải nâng cao cảnh giác về ATTT trước các nguy cơ tấn công của tin tặc, mã độc trong thời gian tới.