Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để giảm nghèo bền vững

Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Bùi Thị Liễu nhấn mạnh: “Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững”.

20170811-m3.jpg
 
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng tham quan mô hình xây dựng nông thôn mới tại Vĩnh Cửu.
 

 

 

 

Nhiều điển hình tiêu biểu
 
Theo bà Bùi Thị Liễu, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là sự phát triển và kế thừa từ các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới” trước đây. Trong đó có nhiều điển hình tích cực từ cơ sở được xây dựng đã khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Bà Liễu nhấn mạnh: “Tiêu chí đảm bảo an ninh trật tự là một nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đang có hiệu quả”.
 
3 năm trở lại đây, người dân ấp 5 xã Long Thọ (Nhơn Trạch) đã quen với “tiếng kẻng an ninh”. Mỗi khi nghe kẻng vang lên, không chỉ lực lượng dân phòng, chức năng, tổ dân phố mà toàn thể người dân, công nhân ở trọ đều lao ra đường vây bắt tội phạm, hỗ trợ người bị hại lấy lại tài sản. Phó chủ tịch MTTQ xã Long Thọ Nguyễn Kim Liên cho hay, địa bàn ấp 5, xã Long Thọ được xác định là nơi có đông dân nhập cư, lao động tự do, lao động thất nghiệp, không có việc làm ổn định. Tình trạng mất trộm chó, gà, đồ gia dụng trong nhà dân xảy ra thường xuyên, nhiều lần kẻ gian đột nhập phòng trọ của công nhân và các gia đình neo đơn lấy đi nhiều tài sản có giá trị, gây bất an cho người dân. Từ khi có “tiếng kẻng an ninh”, tình hình trộm cắp vặt giảm hẳn, người dân đoàn kết, cùng nâng cao cảnh giác phòng chống tội phạm.
 
Còn Trưởng ấp Quảng Lộc, xã Quảng Tiến (Trảng Bom) Hà Huy Linh cho rằng, khi chưa có mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn diễn biến phức tạp. Do đặc thù địa bàn ấp rộng, nằm ven quốc lộ 1, giáp ranh với thị trấn Trảng Bom và xã Bình Minh nên lượng khách vãng lai hằng ngày qua lại khá lớn. Khách vãng lai đã móc nối với các phần tử bất hảo tại địa phương lén lút hoạt động gây mất an ninh trật tự. Từ cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” mô hình “Tiếng kẻng an ninh” ra đời đã góp phần giảm mạnh tình trạng trộm cắp vặt, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất và sinh sống.
 
Đến nay, trên 1000 “mắt thần” camera quan sát an ninh trật tự và các hành vi xấu như đổ rác bừa bãi, mất vệ sinh môi trường đã được gắn tại các tuyến đường, khu vực trọng điểm 30 phường, xã TP. Biên Hòa. Đây là một công cụ hữu ích góp phần tích cực trong xây dựng “đô thị văn minh”. Chủ tịch MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới nhìn nhận, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh không thể thiếu những mô hình cụ thể. Trong đó, “mắt thần” camera giám sát đang phát huy hiệu quả, nó không chỉ ghi nhận tình trạng tệ nạn xã hội mà kể cả những hành vi không đẹp làm ảnh hưởng đến mĩ quan đô thị được ghi lại và là “bằng chứng” thuyết phục để các buổi họp tổ dân phố, bình xét gia đình văn hóa được công minh hơn, chính xác hơn.
 
Giảm nghèo bền vững
 
20170811-m4.jpg
 
Thống kê của MTTQ tỉnh cho thấy, đến nay toàn tỉnh có 961/1004 ấp, khu phố (95,72%) đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hóa; 165/171 xã, phường, thị trấn (96,5%) lành mạnh, làm tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội; 119/133 xã, 6/11 huyện, thị, thành đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao, góp phần tích cực trong giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều.
 
Trong hội nghị biểu dương các mô hình, điển hình tiêu biểu trong giảm nghèo mới đây, MTTQ tỉnh đã tôn vinh 89 mô hình tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững, đồng thời vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Chỉ tính riêng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của tỉnh thời gian qua đã huy động từ cộng đồng trên 397 tỷ đồng, hỗ trợ người nghèo, xây dựng nhà tình thương, trợ cấp khó khăn, học bổng, giúp người nghèo vươn lên vượt nghèo, ổn định cuộc sống cũng như thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tỉnh Đồng Nai.
 
Phó chủ tịch MTTQ tỉnh Bùi Thị Liễu chia sẻ, thực hiện cuộc vận động “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Đồng Nai phấn đấu giảm bình quân từ 0,3 đến 0,4% hộ nghèo mỗi năm theo tiếp cận đa chiều; riêng các huyện Tân Phú, Định Quán giảm từ 1 đến 1,2%/năm, các xã vùng sâu, vùng xa giảm từ 1,2 đến 1,5%/năm, phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dưới 0,6%.
 
Cũng theo bà Liễu, nếu tập trung thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” sẽ tác động trực tiếp đến công tác giảm nghèo bền vững. Bởi thống kê giai đoạn 2016-2020, tỉnh có trên 20.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều theo Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ. Dự trù nguồn kinh phí cho giảm nghèo bền vững được huy động tối đa nguồn lực khoảng trên 787 tỷ đồng, trong đó có 5,7 tỷ đồng ngân sách Trung ương, nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội 67,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh và huy động cộng đồng 640 tỷ. Trong đó, các tiêu chí của cuộc vận động phải tiếp tục được triển khai thực hiện, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nông thôn mới, đô thị văn minh để giảm nghèo bền vững.
 
Trong mục tiêu của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững phấn đấu đến năm 2020, 100% các hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, tiếp cận thông tin, được cung cấp thông tin về chính sách pháp luật, được thông tin các tiêu chí xét công nhận khu phố văn hóa, ấp văn hóa, gia đình văn hóa tại cộng đồng..../.