Mật mã dân sự ngày càng được dùng nhiều trong sản xuất, kinh doanh

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, gần đây, sản phẩm mật mã không chỉ sử dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước mà ngày càng được dùng rộng rãi trong bảo vệ thông tin sản xuất, kinh doanh.

20170809-m7.JPG
 
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, quản lý nhà nước trong kinh doanh sản phẩm MMDS nói riêng và ATTT nói chung là nội dung mới, với nhiều khó khăn thách thức.
 
Chú trọng nghiên cứu, phát triển sản phẩm MMDS của Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm mật mã dân sự (MMDS) phục vụ phát triển kinh tế xã hội” được Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, sự ra đời và phát triển của Internet cũng như hạ tầng băng rộng đã thúc đẩy quá trình kết nối không chỉ giữa các hệ thống thông tin mà còn giữa các thiết bị điện tử, còn gọi là xu thế Internet of Things.

“Mặc dù được dự đoán là một xu thế sẽ bùng nổ, mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội nhưng cũng chính sự kết nối này tiềm tàng những nguy cơ, rủi ro, gây mất an toàn với người sử dụng. Sẽ càng nghiêm trọng hơn khi rủi ro xảy ra với các hệ thống thông tin quan trọng trong các lĩnh vực tài chính, điện lực, ngân hàng, hàng không…”, Thứ trưởng nói.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) phục vụ phát triển của MMDS, nhất là trong xã hội thông tin với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Thứ trưởng cho hay, nhu cầu phát triển, sử dụng các sản phẩm mật mã, ATTT ngày càng tăng về quy mô, số lượng, chủng loại. Sản phẩm mật mã không chỉ sử dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước mà được dùng rộng rãi trong bảo vệ thông tin sản xuất, kinh doanh.

Số lượng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã cũng tăng, hình thức kinh doanh đa dạng: sản xuất, lắp ráp, xuất khẩu, nhập khẩu. Nhiều công ty, tập đoàn kinh tế ở Việt Nam về các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông đã sử dụng sản phẩm MMDS để bảo mật thông tin.

Sau khi Luật ATTT mạng và các văn bản hướng dẫn Luật chính thức có hiệu lực, cơ chế quản lý nhà nước về ATTT đang dần được hoàn thiện. Cụ thể, trong lĩnh vực MMDS, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2016 quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS (Nghị định 58). Đây là văn bản pháp lý quan trọng trong việc quản lý MMDS giai đoạn hiện nay.

Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Đặng Vũ Sơn nhấn mạnh, một trong những mục tiêu của công tác quản lý nhà nước về MMDS là tạo điều kiện và góp phần để hình thành và phát triển nền công nghiệp ATTT phục vụ kinh tế xã hội của Việt Nam; chú trọng việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm MMDS của Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu.

Hơn 900 mã sản phẩm mật mã đã được cấp phép

Đánh giá về tình hình sau 1 năm triển khai Luật ATTT mạng và Nghị định 58 về MMDS, ông Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục Quản lý MMDS và kiểm định sản phẩm mật mã khẳng định: “Các quy định của pháp luật đã thực sự đi vào cuộc sống. Quản lý nhà nước về MMDS đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, mạnh mẽ, góp phần tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng MMDS. Các hoạt động sử dụng MMDS đã được kiểm soát, đảm bảo giữ vững trật tự, an toàn xã hội”.

Cụ thể, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ trì tổ chức 3 hội nghị, tọa đàm về quản lý MMDS, cơ bản đã giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp. Ban cũng phối hợp xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành 21 tiêu chuẩn quốc gia về MMDS. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đã ban hành 3 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MMDS sử dụng trong lĩnh vực ngân hàng.
 
20170809-m8.JPG
 
20170809-m9.JPG
 
Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, bên lề hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm mật mã dân sự (MMDS) phục vụ phát triển kinh tế xã hội”.

Đáng chú ý, về quản lý cấp phép kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS, theo ông Xứng, đến nay đã cấp phép hơn 900 mã sản phẩm MMDS, cấp phép kinh doanh cho 41 doanh nghiệp và cấp 59 giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS.

Đồng thời, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với Bộ TT&TT thẩm định 9 hồ sơ chứng thực chữ ký số công cộng, 1 hồ sơ chứng thực chữ ký số chuyên dùng; phối hợp vói Tổng cục Hải quan để rà soát, hướng dẫn, kiểm  tra xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS; mở rộng hợp tác về MMDS với đối tác truyền thống, tin cậy, đối tác hợp  tác chiến lược, toàn diện, các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến...

Thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý MMDS; triển khai thực hiện Luật ATTT mạng và Nghị định 58, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, kinh doanh, chuyển giao công nghệ về MMDS, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại website http://nacis.gov.vn.

Cùng với đó, tạo điều kiện ứng dụng sản phẩm MMDS trong các ngành, lĩnh vực then chốt; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh, sử dụng sản phẩm MMDS; triển khai các hoạt động thử nghiệm, đánh giá, chứng nhận sự phù hợp sản phẩm MMDS...