Ca Thành giảm nghèo từ phát triển cây trồng mũi nhọn

Ca Thành là xã vùng III của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp để khai thác thế mạnh, giảm nghèo ở địa phương, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Ca Thành tập trung tuyên truyền, vận động người dân phát triển, mở rộng diện tích các cây trồng mũi nhọn, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

20170804-m19.jpg
Cây trúc sào giúp nhân dân xã Ca Thành (Nguyên Bình, Cao Bằng) ổn định cuộc sống.
 
Chủ tịch UBND xã Ca Thành Hà Văn Đình cho biết: Cây trúc sào đã được bà con trong xã trồng từ rất lâu, nhưng diện tích nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật..., nên chưa đem lại hiệu quả kinh tế. Từ năm 1993, thông qua các chương trình, dự án của tỉnh, nhân dân trong xã được huyện hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc trúc sào… Từ đó, nhiều vùng đất trống, những khu đồi bỏ hoang của xã đã được phủ bởi màu xanh của trúc sào.

Giai đoạn 2010 - 2015, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đưa cây trúc sào thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế; giao chỉ tiêu phát triển diện tích trồng trúc sào cho các tổ chức đoàn thể để tăng cường vận động hội viên, đoàn viên thực hiện. Thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc trúc sào cho bà con. Trúc sào được Công ty TNHH một thành viên 688 và Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng thu mua, tạo đầu ra tương đối ổn định. Đến nay, toàn xã có gần 500 ha trúc sào, tập trung nhiều ở các xóm: Nặm Kim, Xà Pèng, Khuổi Mỵ, Nà Đoong, trong đó, hơn 200 ha cho khai thác. Nhiều gia đình trồng từ 3 - 10 ha trúc, thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng/năm, như: Dương Văn Nó, Triệu Dào Nần, xóm Nặm Kim; Hoàng Văn Dẩu, xóm Xà Pèng...

Anh Lý Phương Sinh ở xóm Xà Pèng được “mệnh danh” là “Vua trúc Nguyên Bình” chia sẻ: Gia đình tôi đã gắn bó với cây trúc sào từ rất lâu. Trước đây, với hơn 3 ha trúc đã giúp cho gia đình tôi thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Nhận thấy nguồn lợi cây trúc sào đem lại, gia đình tôi mở rộng diện tích, đến nay có hơn 10 ha đã cho thu hoạch. Hằng năm tôi chặt tỉa khai thác bán hơn 10 xe, thu nhập gần 100 triệu đồng.

Từ năm 2010, nhận thấy cây dong riềng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, có giá trị kinh tế cao hơn cây ngô nên xã Ca Thành đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa, ngô không hiệu quả sang trồng cây dong riềng. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức mô hình điểm tại 2 xóm Khuổi Ngọa, Nộc Soa hơn 5 ha. Vụ đông xuân năm 2016 - 2017, toàn xã trồng được 22 ha cây dong riềng, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, việc phát triển các cây trồng mũi nhọn tại Ca Thành còn gặp một số khó khăn, như: giao thông nông thôn xuống cấp, đặc biệt phần lớn những vườn trúc sào xa đường nên không thuận lợi trong việc khai thác, vận chuyển. Người dân chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, còn trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã Ca Thành vẫn ở mức cao với 472 hộ nghèo, chiếm 80,68% (theo tiêu chí nghèo theo đa chiều).
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Cao Bằng)