“Đất nở hoa” nhờ đồng vốn thoát nghèo

Với thủ tục vay vốn đơn giản và mạng lưới hoạt động được“phủ” đến từng thôn, bản… nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã góp phần tích cực trong việc giúp nhiều hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

20170804-m12.jpg
 
Ông Trần Văn Nghiễm và bà Bùi Thị Chín (Long An) nuôi bò và trồng sen, ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
 
Vượt khó nhờ nguồn tín dụng chính sách
 
Từ 30 triệu đồng vốn vay chương trình hộ cận nghèo của NHCSXH, ông Trần Văn Nghiễm và bà Bùi Thị Chín (ấp Cà Răm, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) đã đầu tư vào nuôi bò và trồng sen, mỗi tháng cho thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng; tại Lào Cai, với 20 triệu đồng vốn vốn vay hộ nghèo để phát triển sản xuất, sau vài năm, gia đình ông La Văn Sinh, dân tộc Giáy (thôn Mường Gum, xã Mường Gum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đã ổn định cuộc sống với nguồn thu khá ổn định từ chăn nuôi trâu bò và lợn.
 
Ông Nghiễm, bà Chín, ông Sinh chỉ là 3 trong số hàng triệu hộ nghèo và cận nghèo nhờ có nguồn vốn vay từ NHCSXH mà từ bỏ được cái nghèo đeo đẳng.
 
Thực hiện vai trò của mình, đến nay, nguồn tín dụng chính sách đã được NHCSXH đầu tư cho 100% hộ đồng bào DTTS tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Có những hộ đã vay vốn từ 2 đến 3 chương trình. Tính đến nay, có trên 1.473 nghìn khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện với tổng dư nợ đạt trên 40.000 tỷ đồng, dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt hơn 27 triệu đồng. Riêng các chương trình cho vay đồng bào DTTS theo các Quyết định 54, 29, 755 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 75/2015 ngày 9/9/2015 của Chính phủ đạt tổng dư nợ trên 2.000 tỷ đồng với hơn 215.000 hộ đồng bào DTTS đang vay.
 
Từ những đồng vốn tín dụng chính sách, dọc theo chiều dài đất nước đã xuất hiện nhiều vườn cây ăn trái trĩu quả, những đàn gia súc, gia cầm béo khỏe, những thửa ruộng, ao cá màu mỡ… góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào DTTS nói riêng, đặc biệt là các hộ nghèo ở các huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
 
“Nhờ có các chính sách tín dụng ưu đãi, bà con không chỉ tiếp cận được vốn để phát triển kinh tế, mà còn thay đổi nhận thức về sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường và đã có hộ vươn lên thoát nghèo từ chính những vùng đất khó” - chị Lý Thị Nam - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Mường Gum, xã Mường Gum (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) chia sẻ.
 
Cho vay vốn gắn với định hướng, tạo sinh kế
 
Để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trong toàn hệ thống, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ - những nơi đặc biệt khó khăn, có nhiều hộ nghèo, những năm qua, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo phục vụ nhân dân tốt hơn… Với thủ tục vay vốn đơn giản và mạng lưới hoạt động được “phủ” đến từng thôn, bản, thông qua gần 11.000 điểm giao dịch xã… vốn tín dụng ưu đãi về với từng thôn, bản, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
 
Mới đây, tại buổi làm việc với NHCSXH, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những kết quả hoạt động của NHCSXH trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo, trong đó có đồng bào DTTS. Theo Bộ trưởng, hiện vẫn còn một bộ phận đồng bào DTTS sử dụng vốn vay chưa hiệu quả; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước còn hiện hữu, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của tín dụng chính sách.
 
Từ thực tế này, các tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác của NHCSXH đều cho rằng, chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng cho đồng bào DTTS trong thời gian tới cần tăng mức cho vay, tập trung vào một số ngành nghề trọng yếu để người dân có định hướng làm ăn, tạo sinh kế bền vững trong tương lai. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với tín dụng chính sách; hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho vùng đồng bào dân DTTS và xây dựng các chính sách bền vững hơn trong tiêu thụ sản phẩm./.
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Công Thương điện tử)