Chuyện thoát nghèo của đồng bào Khmer Tri Tôn

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp… công tác giảm nghèo trong đồng bào Khmer ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang không dễ dàng. Bằng cách kết hợp các chính sách hiện có và nguồn lực tại chỗ, kêu gọi sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân, công tác an sinh xã hội trong đồng bào Khmer đạt nhiều kết quả tích cực.

Học để thoát nghèo
 
Từ năm 2015 trở về trước, gia đình anh Chau Róth và chị Néang Soc Vum là một trong những hộ Khmer nghèo ở ấp Tô Trung (xã Núi Tô, Tri Tôn). Chỉ với 10 công ruộng co bưng và ruộng trên, sản xuất được 2 vụ/năm, không đủ lo 6 miệng ăn cùng chi phí học tập của con cái, anh Chau Róth làm thêm nghề “cò” máy cắt lúa cho nông dân Khmer trong vùng mỗi khi đến mùa thu hoạch. Trong khi đó, chị Néang Soc Vum hàng ngày mang gánh bún cua ra bán tại ngã tư thum của đồng bào Khmer, kiếm tiền lo cho việc chi tiêu và một phần chi phí học tập, sinh hoạt của 4 người con. “Mãi lo cuộc sống chật vật trong gia đình nên căn nhà gỗ, mái tôn đã xuống cấp nhiều năm nhưng vẫn chưa có tiền xây dựng lại”- anh Chau Róth chia sẻ.
 
20170803-m6.jpg
 
Anh Chau Róth hạnh phúc bên 2 cô con gái học giỏi
 
Những nỗ lực của đôi vợ chồng phần nào đã cho quả ngọt khi người con trai lớn Chau Mo No Rom có việc làm ổn định ở TP. Hồ Chí Minh; em trai của No Rom là Chau Ron vừa tốt nghiệp Trường đại học An ninh nhân dân, chờ phân công nơi công tác. Trong khi đó, cô con gái Néang Soc Vét chuẩn bị nhập học ngành Dược sĩ của Trường đại học Y dược Cần Thơ, còn cô con gái út Néang Rót Tha đang bước vào lớp 11 của Trường dân tộc nội trú THPT An Giang. Cả 2 cô con gái đều đạt thành tích học sinh giỏi nhiều năm liền. “Cháu Néang Rót Tha đang học nội trú nên được nhà trường lo gần như toàn bộ, chủ yếu vợ chồng tôi tập trung lo cho Néang Soc Vét vừa vào đại học. Vài năm nữa, tụi nhỏ ra trường, có việc làm thì vợ chồng tôi yên tâm rồi”- anh Chau Róth kỳ vọng.
 
Nỗ lực chăm lo
 
Đối với vợ chồng anh Chau Sóc và chị Néang Sa Ra, ấp Tô Trung (xã Núi Tô), dù chưa thoát nghèo nhưng cuộc sống cũng phần nào ổn định sau khi địa phương xét cất căn nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015, về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. “Căn nhà được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay thêm 25 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi 2,5%/năm, bà con giúp đỡ một phần, gia đình đóng góp thêm với tổng trị giá 60 triệu đồng. Có được chỗ ở ổn định, vợ chồng tôi mừng muốn rơi nước mắt”- chị Néang Sa Ra bộc bạch. Trước đó, địa phương đã xét hỗ trợ cho 2 vợ chồng vay vốn mua bò giống về nuôi. Hàng ngày, anh Chau Sóc vừa đi đặt lọp ếch, vừa cắt cỏ cho bò ăn, còn chị Néang Sa Ra nhận làm thuê những công việc lặt vặt trong xóm để lo cho gia đình. Nhờ chịu thương, chịu khó, chuồng bò của đôi vợ chồng đã được 3 con, sắp xuất chuồng để tái nuôi thêm…
 
“Xác định phát triển kinh tế vùng dân tộc Khmer là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết, những năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào. Đặc biệt, việc đầu tư phát triển theo các chương trình, dự án mang tính đặc thù như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo và các chương trình dự án khác đã được huyện triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực”- Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn Trần Duy Hiếu nhấn mạnh. 5 năm qua, có 3.764 hộ Khmer nghèo đã được vay vốn, hỗ trợ trực tiếp với tổng số tiền 27,13 tỷ đồng; đào tạo nghề cho 12.823 lao động, giới thiệu 4.020 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh. Huyện còn hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, công cụ sản xuất và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho hơn 1.500 lượt hộ Khmer với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng. Đến nay, 100% đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; điện, nước sạch được kéo vào tận phum, sóc…
 
Nỗ lực chăm lo của địa phương cùng ý thức tự vươn lên của đồng bào Khmer đã từng bước kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nếu năm 2011, có 2.952 hộ nghèo Khmer nghèo (chiếm 9,02% số hộ toàn huyện) thì đến năm 2015, tỷ lệ này giảm còn 4,51% (còn 2.025 hộ). Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, khi thực hiện điều tra hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, số hộ nghèo trên địa bàn huyện tăng lên 6.323 hộ (chiếm 18,81%), trong đó hộ dân tộc thiểu số nghèo là 3.421 hộ.
 
“Dù có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ hộ Khmer nghèo vẫn còn cao (3.421 hộ nghèo/11.241 hộ Khmer). Cùng với các chính sách hiện có và nỗ lực của địa phương, chúng tôi rất mong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ, đề xuất mô hình, đẩy mạnh đầu tư để tạo việc làm tại chỗ, giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững”- Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương đề nghị./.

 

Nguồn: (Trích nguồn từ Báo An Giang Online)