Mù Cang Chải đưa sơn tra thành cây xóa nghèo

Từ một cây mọc tự nhiên ở các triền núi, cây sơn tra (hay còn gọi là cây táo mèo) nay đã trở thành cây trồng chủ lực trong trồng rừng và là cây xóa đói, giảm nghèo của đồng bào vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

20170802-m7.jpg
 
Cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải kiểm tra cây giống tại vườn ươm.
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Yên Bái đã xây dựng Đề án “Phát triển cây sơn tra tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020” với mục tiêu trồng mới 6.200 ha sơn tra để đến năm 2020, diện tích sơn tra toàn tỉnh đạt 10.000 ha, sản lượng đạt 7.500 tấn (tăng 5.000 tấn so với năm 2015), góp phần bảo đảm an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của hệ động, thực vật; tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, là việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác nhận khoán bảo vệ rừng và hạn chế tối đa cháy rừng xảy ra trong mùa hanh khô hàng năm.
 
Thực hiện Đề án, việc phát triển cây sơn tra tại huyện Mù Cang Chải trong hai năm vừa qua được chính quyền các cấp triển khai tới các xã, thôn, bản, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức về tầm quan trọng và hiệu quả kinh tế từ cây sơn tra cho cán bộ và nhân dân địa phương. Năm 2016, làm tốt công tác bảo vệ và phát triển, huyện đã thực hiện trồng mới 480 ha cây sơn tra.
 
Do hạn chế được tình trạng thu hái quả non, điều kiện thời tiết trong năm thuận lợi nên cây sơn tra sinh trưởng phát triển tốt, sản lượng quả sơn tra tươi năm 2016 của huyện đạt 1.700 tấn, tăng 800 tấn so với năm 2015. Cùng với đó, quả sơn tra đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu” với tên gọi "Sơn tra Mù Cang Chải" do UBND huyện Mù Cang Chải làm chủ sở hữu nhãn hiệu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định giá cả khi xuất ra thị trường.
 
Đồng chí Nguyễn Anh Phương - Phó trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cho biết: “Để việc trồng sơn tra đạt hiệu quả, các cấp, các ngành đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định, quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp chú trọng đến việc lựa chọn, sử dụng giống bảo đảm chất lượng; công tác lựa chọn nguồn giống và chế biến sản xuất cây giống thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Trong tương lai, việc phát triển rừng được thay thế bằng trồng cây sơn tra sẽ đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định lâu dài, góp phần phát triển kinh tế cũng như việc xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn”.
 
Việc thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, có đầu tư thâm canh và canh tác bền vững bước đầu đã đem lại hiệu quả. Tại xã Lao Chải, xuất hiện mô hình một số hộ dân chung tay đóng góp ngày công và hàng chục héc-ta đất rừng, thực hiện gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch. Đến nay, số cây mới gieo trồng đã và đang phát triển rất tốt.
 
Đồng chí Nguyễn Anh Phương cho biết thêm: “Trước khi triển khai Đề án, huyện có 1.962,1 ha sơn tra, sau hai năm thực hiện, đến nay, con số này đạt 2.442,1 ha. Năm 2017, theo kế hoạch của tỉnh và ngành nông nghiệp sẽ thực hiện trồng mới 600 ha sơn tra. Đến nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện đã chuẩn tốt các điều kiện, do đó, khả năng thực hiện sẽ đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng cần sớm bố trí cấp nguồn vốn thực hiện Đề án để cơ sở chủ động trong việc chuẩn bị đất, gieo tạo cây giống…”.
 
Hiện, hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã hình thành vùng trồng sơn tra với diện tích 3.820 ha, 980 ha đang cho thu hoạch, sản lượng bình quân trên 2.500 tấn quả/năm. Cây sơn tra ngày càng khẳng định vị thế trong cơ cấu cây trồng, tạo cơ hội xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho đồng bào vùng cao./.
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Yên Bái)