Thách thức mới trong giảm nghèo đa chiều

Sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg (QĐ 59) của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 đã đặt ra những thách thức mới, nhất là đối với một tỉnh vừa “nhấc chân” ra khỏi danh sách tỉnh nghèo như Phú Thọ. Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều là một phương thức để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, tuy nhiên đây cũng là cuộc đổi thay lớn trong nếp nghĩ, cách làm từ chính quyền địa phương đến người dân thuộc đối tượng thụ hưởng.

20170802-m4.jpg
 
Nghề thêu tay truyền thống giúp nhiều phụ nữ thành phố Việt Trì nâng cao thu nhập, có điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản xã hội.
 

Không để tái nghèo

Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng sự lồng ghép các nguồn vốn, chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh, đến năm 2015, Phú Thọ chính thức “xóa tên” khỏi danh sách các tỉnh nghèo toàn quốc. Năm 2016, tỉnh thực hiện chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo theo cách tiếp cận đa chiều của QĐ59 nhằm “nhận dạng” đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, đồng thời giúp người dân tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn với nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó tạo cơ hội để các địa phương thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Thông tin về tình trạng nghèo đa chiều cũng giúp theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các nhóm chính sách giảm nghèo và phát triển xã hội qua thời gian giữa các vùng, các nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp. 

Như vậy, khi QĐ59 được triển khai, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 đã mở rộng hơn tiêu chí nghèo “đơn chiều” trước đó. Nếu trước đây, chuẩn nghèo được đo lường thông qua thu nhập, tức là dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy ra bằng tiền thì nay việc xác định hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều còn tính tới các yếu tố bảo đảm mức sống toàn diện hơn. Trong đó có nhóm tiêu chí “phi thu nhập” gồm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin - truyền thông. Điều này giúp cơ quan chức năng hoạch định chính sách an sinh xã hội phù hợp, cân đối nguồn lực đầu tư đúng theo nhu cầu của người nghèo, vùng nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thanh Ba cho biết: Theo tiêu chí nghèo “đơn chiều”, đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm còn 8,7%. Tuy nhiên, năm 2016 thực hiện tiêu chí mới để xác định hộ nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo ở Thanh Ba tăng vọt lên 17,6% (tương đương trên 5.700 hộ). Ngay sau đó, huyện tập trung thực hiện giải pháp hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, đào tạo nghề giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho vay vốn tín dụng ưu đãi đồng thời giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể theo hướng giảm tới đâu chắc tới đó, hạn chế tái nghèo. Đến hết năm 2016 toàn huyện có gần 1.200 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo đa chiều đã giảm xuống còn hơn 15%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn trên 11%. Nhiều xã trên địa bàn huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm cao hơn chỉ tiêu đề ra như: Đỗ Sơn, Đỗ Xuyên, Lương Lỗ…

Như vậy, để tạo cơ hội thoát nghèo thì ưu tiên số một của các huyện hiện nay là thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân. Ban Chỉ đạo giảm nghèo các huyện cũng phối hợp với MTTQ huyện, UBND các xã, thị trấn tiến hành khảo sát các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở để hỗ trợ sửa chữa, xây mới, giúp các hộ “an cư lạc nghiệp” đồng thời giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người nghèo trong lĩnh vực giáo dục, y tế như: Miễn giảm học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Đúng mục đích, chuẩn đối tượng

Có một số ý kiến cho rằng: Vấn đề đáng ngại ở đây không phải là tỷ lệ hộ nghèo tăng lên mà làm sao để rà soát được các hộ nghèo một cách chính xác, tránh việc sai đối tượng thụ hưởng gây thất thoát nguồn lực.

Năm 2016, qua rà soát, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là trên 41.000 hộ;  trong đó, số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập chiếm trên 86%. Thách thức lớn nhất nằm ở quá trình chuyển đổi cách tiếp cận từ nghèo đơn chiều sang đa chiều tại các địa phương bởi quá trình đánh giá hộ nghèo phức tạp hơn. Về vấn đề này, ông Lương Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Lao động - TB&XH khẳng định: Sử dụng phương pháp đo lường nghèo theo đa chiều với sự tham gia vào cuộc, giám sát của cộng đồng dân cư đã khắc phục được tình trạng “cảm tính” trong xét duyệt hộ nghèo “đơn chiều”. Các tiêu chí cụ thể của QĐ 59 giúp đánh giá, xác định hộ nghèo chính xác, khách quan. Điều này rất quan trọng vì xác định sai đối tượng sẽ kéo theo việc thực hiện chính sách hỗ trợ không đúng mục đích, gây lãng phí!
 
20170802-m5.jpg
Nghề đan lát ở Ngô Xá, Cẩm Khê tạo việc làm ổn định cho người dân làng nghề, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Như vậy thực hiện theo chính sách mới không chỉ cần đến nguồn lực để tăng thu nhập cho người nghèo, giúp họ thoát nghèo mà còn đòi hỏi thêm nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giáo dục, y tế, công nghệ thông tin… giúp mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ cho người nghèo. Đây là điều khó khăn khi nguồn lực của tỉnh còn eo hẹp. 

Vì thế, giải pháp mà Phú Thọ hướng tới đó là tập trung chính sách tạo sinh kế đối với nhóm đối tượng nghèo về thu nhập và có chính sách hỗ trợ tiếp cận dành cho nhóm nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ về vốn sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thu nhập cho người nghèo. Đó là cách thúc đẩy nội lực vươn lên của người dân, cũng là cách thức để giảm dần tư duy “cho không”, gây ỷ lại. 

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Sơn cho biết: Hàng năm đơn vị đều tiến hành rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo để phân bổ nguồn vốn về các xã chính xác, đúng đối tượng. Tổng doanh số cho vay quý I năm 2017 đạt trên 27 tỷ đồng với 1.075 lượt khách hàng. Để giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay, ngân hàng đã triển khai một số chương trình tín dụng có doanh số cho vay lớn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các gia đình sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn nhằm kịp thời mang lại “sinh kế”, tạo cơ hội thoát nghèo cho đồng bào miền núi. 

Để thực hiện tốt giảm nghèo đa chiều, cần phân tích, đánh giá và phân loại rõ từng đối tượng người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo, trên cơ sở đó đề ra kế hoạch, giải pháp và tập trung vốn ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm. Trong quá trình thực hiện tại cơ sở, cần huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình việc làm và giảm nghèo gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ ở cơ sở; khuyến khích đầu tư phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội, đất ở, đất sản xuất, điện, nước… ở khu vực nông thôn, miền núi./.
 
Quy định 59 xác định hộ nghèo: Khu vực nông thôn từ 700.000đ/người/tháng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân trên 700.000 đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ cơ bản xã hội trở lên. Khu vực thành thị từ đủ 900.000 đồng/người/tháng trở xuống hoặc có thu nhập trên 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/người/tháng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ cơ bản xã hội trở lên.
 
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Phú Thọ)