Vươn lên từ đồng đất

Thôn Nà Củng (xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nằm yên bình bên dòng Nậm So, đồng đất phì nhiêu, ruộng vườn tươi tốt, hạ tầng được đầu tư giúp đời sống đồng bào dân tộc Thái trắng nơi đây thêm no ấm.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, người dân nơi đây từng có cuộc sống không ít khó khăn, cái đói, nghèo đeo bám. Bằng sự chịu thương, chịu khó, tích cực áp dụng kỹ thuật sản xuất, giống mới, cuộc sống từng bước đổi thay. Qua câu chuyện với ông Đèo Văn Hàn - Trưởng thôn Nà Củng, chúng tôi thêm hiểu và khâm phục hành trình vượt khó của người dân nơi đây. Toàn bộ diện tích sản xuất lúa nước của thôn là 21,6ha, dẫu phần lớn là ruộng tốt, nằm trong cánh đồng Tùng Củng phì nhiêu nhưng chia đều cho hơn 140 hộ nên số thóc thu về chẳng là bao. Để thoát khỏi cái đói, dân bản lại phá rừng, làm nương. Những vạt rừng đỏ rực lửa mỗi mùa làm nương và để lại vết sẹo nham nhở cho cánh rừng xanh thẫm sau bản. Lúa nương năng suất thấp, chẳng giúp người Nà Củng thêm no. Rừng bị tàn phá, dân bản gánh chịu thêm những cơn thịnh nộ của thiên nhiên, liên tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
 
20170801-m15.jpg
 
Người dân bản Nà Củng tham gia Hội thảo giống ngô mới DK 6919 do Trạm Khuyến nông huyện triển khai tại bản.
 
Trước tiên phải vận động dân bản không đốt rừng làm nương, tập trung khai hoang lúa nước, nâng cao hiệu suất sử dụng đất bằng cách mở hệ thống mương phai, làm lúa 2 vụ, đưa giống lúa năng suất, sản lượng cao vào sản xuất.
 
 Với sự tiên phong gương mẫu của các đồng chí đảng viên trong Chi bộ, trách nhiệm cao của già làng, trưởng bản và người có uy tín, Nà Củng đã thành công trong nâng cao năng suất, sản lượng lúa, từ bỏ phá rừng làm nương. Anh Đèo Văn Cá (người dân trong bản) chia sẻ: Tính tới thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích sản xuất của nảm Nà Củng được đưa giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng cao: PC6, HP6, lúa lai 404... mang lại năng suất bình quân 6,5 - 7 tấn/ha. Phát huy hiệu quả hệ thống mương phai, thủy lợi kiên cố Đon Cang, Còn Củng và bản Lừ giúp nông dân sản xuất lúa 2 vụ trên chân ruộng cạn. Xen canh tăng vụ, bà con còn tập trung đầu tư cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch nông sản. Với sự hỗ trợ của máy cày mini, máy tuốt lúa đã giảm đáng kể nhân lực, rút ngắn ngày công, đẩy nhanh tiến độ sản xuất.
 
Làm tốt 2 vụ lúa nước, Nà Củng không còn hộ đói. Tuy nhiên, nhằm tăng sản lượng lương thực, bà con còn mở rộng diện tích trồng ngô và một số loại hoa màu khác. Tận dụng đất vườn tạp và các bãi, đồi thấp, các hộ dân nhân rộng diện tích ngô lên hơn 10ha. Từng bị mất mùa, thất thu bởi giống ngô địa phương nên khi những giống ngô mới được khảo nghiệm, thực hiện mô hình thành công, bà con hào hứng sản xuất. Nguồn thu từ ngô không chỉ giúp người dân phát triển chăn nuôi còn cung ứng một phần cho thị trường thêm thu nhập. Các hộ đi đầu trong mở rộng diện tích và tích cực đưa giống ngô mới vào sản xuất là: Lò Văn Mến, Lò Văn Thành, Đèo Văn Cá, Hoàng Văn Quyết, Thùng Văn Thực...
 
Cùng với nâng cao hiệu suất sử dụng đất, chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, người dân Nà Củng còn tập trung chăn nuôi với đàn trâu hơn 200 con - dẫn đầu toàn xã về tổng đàn; một số gia trại chăn nuôi lợn với số lượng lớn của các hộ: Lò Văn Mến, Hoàng Văn Lén. Từ bỏ lối chăn nuôi theo phương thức thả rông, thường bị dịch, hiệu quả kinh tế không cao, bà con chú trọng công tác thú y, nuôi nhốt, trồng cỏ và tích trữ rơm làm thức ăn thô trong mùa đông.
 
Sản xuất nông nghiệp phát triển, liên tiếp được mùa, chăn nuôi phát triển, đời sống người dân được nâng cao, giúp Nà Củng giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng số hộ khá giàu. Kinh tế phát triển còn tạo điều kiện cho bà con nâng cao đời sống mọi mặt, vững bước xây dựng nông thôn mới.
Ông Hoàng Ngọc Thinh - Bí thư Chi bộ Nà Củng phấn khởi cho biết: Hiện nay, thôn Nà Củng đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Quả thực những năm gần đây, diện mạo nông thôn nơi đây có nhiều khởi sắc, khoác lên mình sự trù phú, viên mãn đặc trưng của nông thôn miền núi. Đường nội bản và một số tuyến đường sản xuất: Nà Củng - Vàng Bâu, bản Lừ được bêtông hóa giúp bà con đi lại thuận tiện hơn và khẳng định sự đồng thuận lòng dân trong xây dựng nông thôn mới.
 
Vươn lên từ đồng đất, người dân Nà Củng đang cùng chính quyền địa phương vững bước xây dựng nông thôn mới. Và, sự trù phú của miền quê này sẽ giúp người dân nơi đây viết tiếp bài ca tình đất tình người trên quê hương điệu xoè - Mường So.
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Lai Châu)