Giúp người dân đẩy lùi nghèo đói

Ai từng đến thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) vài năm trước và giờ quay lại chắc hẳn sẽ thật ngạc nhiên bởi sự đổi thay trong cảnh sắc bản làng và cuộc sống của người dân nơi đây.

Ông Phan Văn Thìn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nậm Nhùn cho biết: Thúc đẩy kinh tế phát triển, UBND thị trấn chủ động tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ phương thức canh tác cũ, chủ động tham gia các mô hình sản xuất do cơ quan chuyên môn huyện triển khai. Đồng thời, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế; tham gia lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; cập nhật, học tập kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với nguồn lợi từ công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi khuyến khích bà con bảo vệ, phát triển rừng; trồng cây cao su tăng thêm thu nhập.
 
20170801-m14.jpg
 
Người dân bản Nậm Nhùn chăm sóc đàn gia cầm.
 
Thị trấn Nậm Nhùn có 5 bản, 815 hộ dân với phần đa đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Trước đây, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2013, cùng với việc chia tách, thành lập huyện mới cộng thêm thi công công trình Nhà máy Thủy điện Lai Châu trên địa bàn thị trấn, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, bà con đổi thay tư duy phát triển kinh tế giúp cuộc sống khởi sắc. Tuy nhiên, điều đó không thể phủ nhận sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, định hướng để bà con đầu tư chăn nuôi, kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Cùng với đó, thị trấn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện triển khai một số mô hình kinh tế; mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn giúp bà con có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
 
Chị Tao Thị Hạnh - bản Nậm Hàng tâm sự: Dân bản mình ngày trước khó khăn lắm, người dân chỉ biết làm nông nghiệp. Vì thiếu kiến thức, vốn nên không thể đầu tư chăn nuôi, trồng trọt theo quy mô lớn. Từ khi huyện chia tách, bản lại nằm ngay trung tâm huyện, nhiều công trình hạ tầng được đầu tư, bà con được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, đời sống từ đó đi lên. Bản thân tôi cũng tham gia mô hình trồng rau, nuôi lợn sinh sản, cuộc sống ổn định, thu nhập gần 100 triệu/năm.
 
Khi diện tích đất nông nghiệp thu hẹp do xây dựng Thủy điện, thị trấn vận động bà con đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa thông qua quy hoạch bãi chăn thả, làm chuồng trại, trồng gần 20ha cỏ VA06. Đến nay, tổng đàn gia súc của thị trấn đạt 2.475 con và trên 5.000 con gia cầm các loại. Theo đà phát triển đó, nông dân còn mở rộng 5,8ha diện tích mặt nước nuôi cá; tận dụng diện tích lòng hồ nuôi cá lồng đem lại hiệu kinh tế quả cao. Hiện nay, bà con vẫn tiến hành cấy 35,4ha lúa nước, gieo trồng 100ha lúa nương và 6,5ha cây trồng khác (quế, cây ăn quả). Bà Phan Thị Trịnh - bản Phiêng Pa Kéo chia sẻ: Được cán bộ thị trấn, huyện vận động tận dụng lợi thế của địa phương đầu tư kinh doanh dịch vụ, tôi mạnh dạn vay vốn mở cửa hàng. Giá cả phải chăng, chất lượng hàng hóa đảm bảo, cuộc sống của gia đình tôi ổn định với thu nhập trên 150 triệu/năm.
 
Với sự giúp sức, động viên, tạo mọi điều kiện của cấp ủy, chính quyền thị trấn cùng sự nỗ lực của Nhân dân, thị trấn hiện có nhiều hộ phát triển kinh tế giỏi như ông Khoàng Văn Ngó, bà Phan Thị Trinh (bản Phiêng Pa Kéo); ông Lò Văn Thoai, Mào Văn Dánh (thị trấn Nậm Nhùn); ông Lý Văn Hoài (bản Nậm Hàng)... Chính điều đó, góp phần tăng thu nhập bình quân của Nhân dân thị trấn lên 25 triệu đồng/năm 2016 và hộ nghèo giảm còn 23 hộ; phấn đấu hết năm 2017, thị trấn đạt thu nhập 28 triệu đồng/người.
 
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Lai Châu)