Tạo sinh kế cho người có hoàn cảnh khó khăn

Được sự tài trợ của Công đoàn Ngân hàng CSXH Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai chương trình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo. Chương trình được thực hiện ở 13 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn 5 huyện: Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương và Tam Đảo với tổng kinh phí 500 triệu đồng, hỗ trợ cho 62 hộ.

20170801-m10.jpg
 
Nhiều hộ nghèo đã được hỗ trợ mua bò sinh sản. Ảnh Dương Chung
 
Gia đình anh Nguyễn Khắc Hà, thôn Tây Thượng, xã Liên Hòa (Lập Thạch) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân anh là nạn nhân da cam nên con cái cũng bị ảnh hưởng. Ốm đau, bệnh tật, sức khỏe anh ngày một giảm sút, khi mất đi để lại cho vợ và 3 người con cuộc sống khó khăn, vất vả. Thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, kinh tế hết sức khó khăn. Tháng 6/2017, gia đình được hỗ trợ 8 triệu đồng, cộng thêm vay mượn từ họ hàng để mua bò giống. Chị Cao Thị Hạnh, vợ của anh chia sẻ: “Nuôi bò chủ yếu là công chăm sóc, không phải đầu tư chi phí mua thức ăn như các con vật nuôi khác. Khi bò đẻ, bán bê con được khoảng hơn 10 triệu đồng, số tiền này có thể giúp mẹ con tôi sửa sang lại căn nhà hiện nay”.
 
Cũng giống như gia đình anh Hà, nỗi đau da cam cộng với bệnh tật của con trai khiến gia đình chị Hà Thị Thu Hà, thôn Bình Sơn, xã Như Thụy (Sông Lô) khó khăn chồng chất khó khăn. Bản thân chị Hà cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, khiến sức khoẻ không ổn định. Chị còn có mẹ già và một con trai mắc bệnh u não bẩm sinh. Kinh tế gia đình chị chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Được hỗ trợ vốn nuôi bò, chị Hà như có được “cần câu” để kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí điều trị cho cậu con trai. Chị Hà cho biết: “Được Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 8 triệu đồng mua bò, tôi vay mượn thêm 5 triệu đồng để mua con bò 13 triệu đồng. Tôi sẽ cố gắng nuôi để bò sinh sản”.
 
Trao đổi về ý nghĩa của chương trình hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo, bà Phạm Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: “Dự án có ý nghĩa thiết thực đối với hộ nghèo, tạo sinh kế, hỗ trợ họ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; đồng thời, góp phần lan tỏa phong trào ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Điểm khác biệt so với các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo khác, chương trình giúp cho mỗi hộ nghèo một con bò sinh sản và không phải hoàn lại. Nhờ vậy, khuyến khích người dân chăm chỉ lao động, chăm sóc vật nuôi để được hưởng lợi từ chương trình. Trong thời gian tới, hội tiếp tục vận động các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ để chương trình để tiếp tục được triển khai hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều hộ nghèo, vì vậy, hội rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Trung ương hội để người dân địa phương có cơ hội thoát nghèo bền vững”.
 
Nuôi bò sinh sản là mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng không phải hộ dân nào cũng có điều kiện đầu tư mua con giống. Thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nên cái nghèo vẫn luôn đeo bám họ bao lâu nay. Do đó, việc hỗ trợ bò sinh sản từ chương trình nhằm giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là rất cần thiết./.
 
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Vĩnh Phúc)