Xóa đói, giảm nghèo ở huyện nghèo nhất nước: Bài 1: Đổi thay ở những xã khó khăn nhất

Huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng được thành lập năm 2000 và là huyện nghèo nhất nước theo tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập bình quân của người dân. Đến thời điểm này, Bảo Lâm vẫn đang là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất, tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn nhiều nhất nước. Thực tế phát triển của Bảo Lâm trong thời gian qua đã khẳng định chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn. Kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo của Bảo Lâm cũng là bài học cho nhiều địa phương khác.

Nhà báo Hoàng Thị Hồng Xiêm, phóng viên Báo Cao Bằng, người có nhiều năm gắn bó với Bảo Lâm nói với tôi: Muốn biết được những cố gắng, nỗ lực của huyện trong công tác xóa đói, giảm nghèo, anh phải đến những xã khó khăn nhất huyện, đó cũng là những xã khó khăn nhất của tỉnh và cả nước. Người dân ở đây có câu: “Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh”...

Từ  Đức Hạnh-xã khổ nhất...

Chặng đường từ thị trấn Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc) đến xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm) khoảng 40km nhưng chiếc xe ô tô 2 cầu chở chúng tôi phải đi mất hơn 3 giờ. Thế nhưng theo nhà báo Hồng Xiêm thì thời gian đến xã Đức Hạnh đã rút ngắn được hai phần ba so với 17 năm trước khi huyện Bảo Lâm mới thành lập. Khi đó, xã Đức Hạnh dường như biệt lập với thế giới bên ngoài bởi những dãy núi đá. Dân trong vùng gọi chung những đỉnh núi cao đó là Phia Phạ (núi trời) vì núi xuyên thẳng lên những đám mây khổng lồ quanh năm không mấy khi thấy đỉnh. Ai đến xã Đức Hạnh lên các xóm Chè Lỳ A, Chè Lỳ B hay Lũng Mần lúc bấy giờ có thể ví đạt kỳ tích như chinh phục đỉnh Phan Xi Păng (tỉnh Lào Cai) vì đường núi dốc cao, vực thẳm hun hút, thời gian đi bộ lại dài hơn. Hơn chục năm trước thôi mà rất nhiều người trong xã chưa được nhìn thấy xe ô tô, ti-vi, quạt điện. Thậm chí đến cái bóng điện mà nhiều người cũng không biết vì cả xã chưa ở đâu có điện lưới quốc gia.

Trung tá Nguyễn Đại Dương, Trưởng ban Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng kể rằng, năm 2001 khi đến xã Đức Hạnh tuyển quân, thời gian anh đi từ thị xã Cao Bằng về huyện lỵ Bảo Lâm còn dài hơn từ Cao Bằng về Hà Nội. Thời gian đi từ thị trấn huyện về trung tâm xã Đức Hạnh còn dài hơn thời gian đi từ huyện về tỉnh. Thời gian từ trung tâm xã về một số bản, xóm còn dài hơn thời gian từ xã về huyện. Đến nay, nhờ sự đầu tư của Nhà nước và các cấp, các ngành, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thời gian đi từ tỉnh đến huyện, xuống xã, xuống xóm đã được rút ngắn bằng hệ thống đường giao thông tuy còn kém hơn nhiều so với các địa phương khác, nhưng với xã Đức Hạnh đã là chuyện cổ tích vì đã có ô tô đến xã, đến tận một số xóm. Đồng chí Hoàng Văn Quang, người dân tộc Nùng, Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh cho biết, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng công cuộc xóa đói, giảm nghèo của xã Đức Hạnh trong mấy năm gần đây đã đạt được kết quả rất tốt. Đến nay cả xã không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm dần từng năm. Trước kia cả xã có đến hơn 80% hộ nghèo, nay tỷ lệ này chỉ còn 67%, hơn 1/3 số dân trong xã đã được dùng điện. Bà Sầm Thị Giàng, 70 tuổi ở xóm Lũng Mần phấn khởi khi nghe chúng tôi hỏi về cuộc sống của nhân dân ở đây: “Bây giờ sướng hơn trước đấy. Đến bữa, ai cũng được ăn “mèn mén” (bột ngô) hoặc cơm. Trước kia cả tháng mùa khô cũng không được tắm vì thiếu nước, nay mỗi tuần được tắm một lần"-bà nói bằng tiếng Mông.
 
20170726-m16.jpg
Đường về xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm.
 
... đến các xã vùng sâu, vùng xa

Xã Yên Thổ cách thị trấn huyện hơn 60km. Đây cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lâm, với hơn một nửa số hộ trong xã được xếp vào diện hộ nghèo. Thế nhưng, theo các đồng chí lãnh đạo huyện Bảo Lâm, trong những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ, tư vấn của các cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, nhiều hộ gia đình ở đây đã biết vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng như gia đình anh Hoàng Văn Minh, dân tộc Dao, ở xóm Bản Búng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2002, anh đã mua 2 con bò về nuôi, đến nay, đàn bò của anh đã có hàng chục con. Anh Minh còn trồng được 2ha rừng. Anh Hoàng Văn Hải, ở xóm Bản Vàng cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư trồng trọt, chăn nuôi mà trở nên khá giả. Hiện nay bà con trong địa phương đang tập trung trồng lúa đặc sản Khẩu Siên Păn để sản xuất gạo nếp cẩm Yên Thổ. Hạt gạo nếp cẩm có đặc điểm là tím từ trong ra ngoài, có nhiều vitamin, nấu chín sẽ có mùi thơm nồng và bùi. Sản phẩm phù hợp với người điều trị bệnh, đặc biệt là người mắc bệnh tiểu đường, mang lại nhiều triển vọng làm giàu cho bà con các dân tộc ở đây.
 
20170726-m17.jpg
Trung tâm xóm Lũng Mần, xã Đức Hạnh.
 
Đến các xã vùng sâu, vùng xa khác của Bảo Lâm như: Lý Bôn, Thạch Lâm, Mộng Ân, chúng tôi đều cảm nhận được sự đổi thay ở đây qua lời kể của bà con, qua các công trình vừa xây dựng vẫn còn thơm mùi sơn mới. Nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội được bà con đầu tư chăn nuôi bò, trâu, dê, trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Huyện Bảo Lâm có 14 đơn vị hành chính, bao gồm thị trấn Pác Miầu và 13 xã. Những xã này hầu hết thuộc tây nam của huyện Bảo Lạc cũ. Việc thành lập huyện Bảo Lâm đã tạo ra cơ cấu tổ chức phù hợp để thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh. Từ khi thành lập (năm 2000) đến nay, huyện Bảo Lâm đã tạo được bước phát triển nhanh và hướng đi lên rõ rệt. Điều dễ nhận thấy là hệ thống giao thông và các công trình kiến trúc được xây dựng ngày càng nhiều. Bộ mặt của thị trấn Pác Miầu-trung tâm của huyện và các vùng nông thôn có sự thay đổi nhanh chóng. Cả huyện không còn hộ đói kinh niên, số hộ nghèo và cận nghèo giảm dần.
 
Toàn huyện có diện tích đất tự nhiên là 91.206,4ha, lớn hơn tỉnh Bắc Ninh. Địa hình chia cắt phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, có độ dốc lớn, diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp thấp. Dân số của huyện khoảng 60 nghìn người, trong đó có tới 99% là người dân tộc thiểu số, gần một nửa là người dân tộc Mông. Tất cả các xã của Bảo Lâm đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn nằm trong chương trình 135 của Chính phủ.
 
Nguồn: UBND huyện Bảo Lâm

(Còn nữa)

Nguồn: (Trích nguồn từ Báo điện tử Quân đội nhân dân)