Mù Cang Chải thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017 - 2020, huyện Mù Cang Chải đang tích cực triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình 30a và 135 của Chính phủ.

20170726-m10.jpg
Nông dân Mù Cang Chải đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp.
 
Để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân về công tác giảm nghèo, các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng, quản lý khai thác hiệu quả các công trình được Nhà nước đầu tư; đồng thời, tích cực phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới.
 
Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ; hỗ trợ người dân tạo đất sản xuất thông qua khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang; hỗ trợ phát triển các ngành nghề, dịch vụ bằng máy móc, nhà xưởng, thiết bị, vật tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông lâm nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết phát triển sản xuất giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo với doanh nghiệp, các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng…
 
Tập trung khai thác các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, đến nay, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình y tế, giáo dục đạt chuẩn; các công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi; làm đường giao thông từ trung tâm huyện đến các xã và hệ thống giao thông trên địa bàn các xã.
 
Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận các dịch vụ xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai lập danh sách đối tượng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi theo Luật Bảo hiểm y tế. Phòng Y tế huyện chủ trì thực hiện các chính sách có mục tiêu như: kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng chống dịch bệnh theo mùa…
 
Thông qua triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh, đã tác động mạnh đến phát triển kinh tế, xã hội chung của huyện. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. 5 năm qua, mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đều đạt từ 13% trở lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 200 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 13 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đạt trên 6%.
 
Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 38,7%, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững; vận động người nghèo, hộ nghèo, chưa có hoặc thiếu việc làm phát huy năng lực, chủ động vươn lên thoát nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước; đẩy mạnh cung ứng lao động ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động ra nước ngoài; cải thiện điều kiện sản xuất, các cơ hội sinh kế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh chuyển giao khoa học, công nghệ, tăng cường đào tạo nghề gắn với giới thiệu, giải quyết việc làm cho người nghèo.  
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Phú Thọ)