Lục Ngạn: Phát huy nội lực hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững

Năm 2016, huyện Lục Ngạn còn 9.319 hộ nghèo trên tổng số 52.960 hộ dân toàn huyện, chiếm tỉ lệ 17,6% (giảm 1.568 hộ, tỉ lệ giảm 3,4%so với năm 2015) Nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu như Sa Lý, Phong Minh, Đèo Gia, Tân Lập, Hộ Đáp, Sơn Hải, Cấm Sơn…

Có được những kết quả đáng ghi nhận này, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ có hiệu quả từ các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo của nhà nước, trước hết phải kể đến tinh thần chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, mở hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu của các hộ có cuộc sống khó khăn và tác động quan trọng từ các chủ trương, chính sách giảm nghèo đồng bộ, thiết thực được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện. Thoát nghèo bền vững luôn gắn liền với phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định; để làm được điều này cần rất nhiều yếu tố, trong đó có vốn đầu tư để phát triển sản xuất - thứ mà các hộ nghèo luôn thiếu. Nhằm tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình thuộc diện nghèo có vốn sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tích cực triển khai các gói tín dụng hỗ trợ tới các đối tượng chính sách với doanh số cho vay năm 2016 là 126,33 tỷ đồng đối với 4.940 lượt hộ nghèo vay vốn phục vụ đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ tạo việc làm mới và hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo học tập, nâng tổng số vốn dư nợ đến 31/12/2016 trên toàn huyện lên 444,409 tỷ đồng, với 21.298 hộ vay.
 
Qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của Ban Đại diện HĐQT, nhìn chung, nguồn vốn vay ưu đãi này đã được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả tích cực trong việc ổn định đời sống, giúp các hộ nghèo phát triển sản xuất. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Với quan điểm “Một gia đình chỉ thực sự thoát nghèo khi có công việc, thu nhập ổn định”, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung phối hợp tổ chức dạy nghề cho nông dân và người lao động thuộc hộ nghèo. Trong 5 năm qua, đã có hàng nghìn lao động thuộc diện hộ nghèo được đào tạo các nghề thiết thực như: Trồng trọt, chăn nuôi-thú y, May công nghiệp, Hàn, Sửa chữa máy nông nghiệp… đã giúp các đối tượng lao động nghèo tạo việc làm mới, bước đầu có thu nhập ổn định.
 
Thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ Về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2), Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện đã phối hợp với UBMTTQ huyện, Ngân hàng CSXH và UBND các xã, thị trấn tiến hành điều tra, khảo sát, thẩm định các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở để có kế hoạch hỗ trợ theo qui định. Trong năm 2016, đã hỗ trợ kinh phí cho 105 gia đình xây mới, sửa chữa nhà ở với số tiền 2,625 tỷ đồng. Chính sách giảm nghèo trong lĩnh vực giáo dục như miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho 11.225 học sinh thuộc diện con em hộ nghèo. Trong năm 2016, 10.887 hộ nghèo đã được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt, với mức hỗ trợ 49.000 đồng/tháng/hộ. Thực hiện QĐ số 102/QĐ-TTg của CP về hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo mà cụ thể là chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao đã góp phần tích cực giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người nghèo luôn được huyện ưu tiên thực hiện đầy đủ, kịp thời. Năm qua, toàn huyện có 107.980 người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, người có công được cấp bảo hiểm y tế. Ngoài 12 xã thuộc diện xã ĐBKK, hiện Lục Ngạn còn 09 xã vùng 2 với 40 thôn, bản nằm trong diện đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ với tổng kinh phí hỗ trợ trên 16 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng các công trình phục vụ an sinh xã hội. Các công trình được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng ổn định đời sống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân tại các khu dân cư, xã đặc biệt khó khăn.
Khẳng định hiệu quả xã hội to lớn trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Lục Ngạn trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2016, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Yếu tố quan trọng đầu tiên đóng vai trò quyết định trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững là tạo được niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người nghèo. Các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đến tận cộng đồng và người dân được thụ hưởng. Cùng với đó, kết hợp với nguồn vốn từ chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, dạy nghề từ các chương trình, mục tiêu quốc gia đã giúp số hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Đồng thời UBND huyện luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư kinh doanh, sử dụng lao động địa phương”.
 
Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm 2016, mục tiêu đặt ra trong năm 2017 Lục Ngạn tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo huyện từ 17,6% xuống còn 14,43%. Các giải pháp cụ thể giảm nghèo đã được huyện quan tâm chỉ đạo và tập trung nguồn lực triển khai. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền, điều quan trọng vẫn phải là ý thức chủ động, tự giác, tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân./.