Hội nhập tạo cú huých để giảm nghèo

Tại Việt Nam, quá trình hội nhập và phát triển đã đem lại những kết quả tích cực, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập đặt ra không ít thách thức đối với công tác giảm nghèo.

Gia tăng phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội
 
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, 10 năm qua, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều người dân.

Về giáo dục, tổng số trường học, lớp học, giáo viên ở các cấp học tăng đều hàng năm, số học sinh bình quân một lớp giảm. Về y tế, năm 2015, có 98,4% số xã có trạm y tế xã hoạt động; 96,0% số thôn bản có nhân viên y tế thôn bản hoạt động, có 80% số xã có bác sỹ có bác sỹ làm việc, 50,0% số xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 – 2020.

Khoảng 70 triệu người, ước đạt 76,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Về các dịch vụ khác, trong vòng 10 năm từ 2004 đến 2014, các chỉ tiêu đều được cải thiện đáng kể: tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt tăng lên 99,7%; diện tích ở bình quân đầu người cũng tăng từ 13,5 m2 lên 21,4 m2; hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố tăng từ 87% năm 2010 lên 90,8% năm 2014. Kết quả là Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trong giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo năm 2015 của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2010 - 2015 chỉ còn ở mức dưới 5%. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới 2016 – 2020 theo tiếp cận đa chiều ở mức 9,9%, thấp hơn khá nhiều mức đầu kỳ giai đoạn trước (14,2%).
Tuy nhiên, hiện nay đang gia tăng phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Tính toán trên số liệu Điều tra mức sống hộ gia đình cho thấy, chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người giữa 20% nhóm dân số giàu nhất và 20% nhóm dân số thấp nhất ngày càng nới rộng, từ 8,1 lần năm 2002 tăng lên 9,8 lần năm 2014.

Tốc độ tăng thu nhập của nhóm giàu tăng nhanh hơn nhóm nghèo hàm ý rằng người giàu hưởng lợi nhiều hơn từ tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, thành quả của tăng trưởng kinh tế được chia sẻ không đều mà theo hướng có lợi cho nhóm giàu có hơn, làm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tăng thêm.

Về khía cạnh phi thu nhập của nghèo đều có sự cải thiện đáng kể qua thời gian nhưng vẫn còn một bộ phận dân cư chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội và điều kiện sống cơ bản. Chính vì thế tỷ lệ nghèo đa chiều vẫn ở mức cao so với nghèo thu nhập. Đồng thời, có sự chênh lệch lớn về điều kiện sống giữa thành thị và nông thôn. Đối với nhóm dân tộc thiểu số, trừ chỉ tiêu về BHYT, nhóm này có mức độ bao phủ tốt hơn do chính sách dân tộc, thì các chỉ tiêu khác đều thua kèm rất xa so với nhóm Kinh/Hoa, đặc biệt là các chỉ tiêu về giáo dục, nhà ở, nước sạch và tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, còn có bất bình đẳng và phân hóa rõ nét giữa các vùng kinh tế. Vùng nghèo nhất cả nước theo cả thu nhập là vùng Trung du và Miền núi phía Bắc nhưng đây cũng là vùng có mức bất bình đẳng cao nhất. Đây là nơi mà phần lớn các hộ nghèo kinh niên sinh sống. Theo đó, trong khi một nhóm nhỏ hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống thì một bộ phận lớn hơn bị tụt lùi phía sau, gây nên tình trạng bất bình đẳng trong khu vực
.
Người nghèo chủ yếu làm lao động giản đơn

Theo các chuyên gia, thị trường lao động là một trong những kênh chính chịu tác động xã hội khi hội nhập, bởi sự gia tăng nhập khẩu, xuất khẩu, cạnh tranh, áp dụng công nghệ mới, đầu tư trực tiếp nước ngoài... đều có thể tác động đến việc làm và thu nhập của người lao động.

Về tổng thể, hội nhập sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, phần lớn người lao động sẽ có cơ hội làm việc tốt hơn, đặc biệt là người lao động có trình độ, có kỹ năng, nhưng cũng có một bộ phận bị mất việc làm, nhất là những người không có tay nghề. Các hoạt động xuất khẩu nhiều loại sản phẩm và thu hút đầu tư nước ngoài nhờ những hiệp định thương mại song phương đã làm tăng thu nhập cho nhiều người. Các khu công nghiệp, khu chế xuất được mở ra, tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp, việc làm trong khu vưc chính thức tạo nên thu nhập ổn định cho người lao động, đặc biệt là các lao động trẻ lao động có kỹ năng. Việc làm bền vững với thu nhập ổn định chính là nguyên nhân cơ bản để nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

Hội nhập làm tăng cơ hội việc làm đồng thời cũng tạo nên rủi ro thất nghiệp cho nhiều người. Nguy cơ này rơi vào nhóm lao động thiếu kỹ năng, thiếu vốn phổ biến trong các hộ có mức sống từ trung bình trở xuống, đặc biệt là các hộ nghèo.
 
20170725-m23.jpg
Nhóm yếu thế cần được quan tâm hơn nữa trong quá trình hội nhập (Ảnh minh họa)
 
Hiện nay, trong các thỏa ước đã kí kết liên quan đến vấn đề lao động, nhóm lao động trong hộ nghèo không được nhắc đến như một đối tượng cần được ưu tiên, quan tâm. Chính vì thế cơ hội hay thách thức cho nhóm này cũng ngang bằng với các nhóm lao động khác. Tuy nhiên nhóm này có khả năng gặp khó khăn hơn do các yếu tố về trình độ và kỹ năng thấp hơn các lao động trong các hộ khá. Do đó, cơ hội tìm được việc làm tốt thấp hơn, cũng như nguy cơ thất nghiệp cao hơn. So sánh đặc trùng của 20% nhóm hộ nghèo nhất và 20% nhóm hộ giàu nhất cho thấy trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của nhóm hộ giàu cao hơn hẳn nhóm hộ nghèo. Đến hơn 95% hộ nghèo không có người nào có trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỷ lệ này ở nhóm hộ giàu chỉ có 36%. Trình độ từ cao đẳng trở lên, trong nhóm hộ nghèo chỉ khoảng 2% thì nhóm hộ giàu lên đến 45%.

Về nghề nghiệp, chủ yếu nhóm hộ nghèo làm việc nông nghiệp (90%) và tỷ lệ có người làm công hưởng lương rất thấp (17%), hộ giàu chủ yếu làm các công việc phi nông nghiệp (70%) và làm công hưởng lương (83%). Theo nhóm nghề thì hộ giàu chủ yếu làm các công việc quản lý và chuyên môn kỹ thuật bậc cao, bậc trung trong khi nhóm hộ nghèo chủ yếu làm lao động giản đơn.

Các lao động di cư hiện nay chủ yếu là vì lí do kinh tế. Trong khi đó, các chính sách liên quan đến di cư và quản lý cư trú tập trung nhiều vào khía cạnh quản lý xã hội và đảm bảo trật tự xã hội hơn là tạo cơ hội và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Vì thế nguy cơ cao các nhóm đối tượng này rơi vào nghèo đói không hẳn là về thu nhập mà ở khía cạnh tiếp cận các dịch vụ xã hội, đặc biệt là tiêp cận giáo dục cho trẻ em và đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong hộ.

Đối với nhóm hộ nghèo không còn thành viên có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo nhờ tăng trưởng kinh tế thì dường như hội nhập không có những tác động trực tiếp lên thu nhập và đời sống. Tuy nhiên với sự tăng trưởng kinh tế liên tục, nhóm này sẽ được hưởng lợi do các yếu tố là hạ tầng được đầu tư, cải thiện tốt hơn, nguồn lực hỗ trợ cao hơn từ cả chính phủ và cộng đồng.