Tân Sơn – “đánh thức” niềm hy vọng của người nghèo

Nhắc đến Tân Sơn, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất xa xôi, nghèo và khó bậc nhất của tỉnh Phú Thọ, đây cũng là một trong 64 huyện nghèo nhất cả nước. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, người nghèo ở vùng miền núi này đã được “đánh thức” niềm hy vọng trên hành trình thoát nghèo bền vững...

Về nơi “rốn nghèo” tỉnh Phú Thọ

Trong khuôn khổ Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo” do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức tại Thành phố Việt Trì, chúng tôi có dịp về nơi “rốn nghèo” của tỉnh Phú Thọ, đây là huyện duy nhất được thụ hưởng Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tuyến đường từ thành phố vào trung tâm huyện Tân Sơn dài gần 80 km, trước đây nổi tiếng đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa (7/17 xã bị chia cắt hoàn toàn), thì nay được nhựa hóa phẳng phiu, đi lại rất dễ dàng và thuận lợi. Có thể nói, con đường đã được đầu tư, nâng cấp và rải nhựa với kinh phí hàng trăm tỷ đồng thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước đối với Tân Sơn. Trung tâm thị trấn với mặt bằng được coi là đẹp nhất so với các huyện, thị trong tỉnh - một huyện miền núi đầy sức sống đang phát triển và vươn lên mạnh mẽ từng ngày.
 
20170725-m11.JPG
Các đại biểu, chuyên gia trao đổi kinh nghiệm về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững

Được tách ra từ huyện Thanh Sơn năm 2007, Tân Sơn trở thành huyện miền núi vùng cao với diện tích tự nhiên hơn 68 nghìn ha (chiếm 1/5 diện tích tỉnh Phú Thọ). Mặc dù có diện tích đất tự nhiên rộng, tuy nhiên 85% là đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, đất ruộng cấy lúa nước chỉ có gần 2.000ha. Dân số toàn huyện trên 80 nghìn người, trong đó trên 82% là đồng bào các dân tộc thiểu số nên đời sống, trình độ dân trí và tập quán canh tác còn nhiều hạn chế. Toàn huyện có 17 đơn vị hành chính xã, trong đó có 14 xã đặc biệt khó khăn, 3 xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 (xã Văn Luông 5 xóm, xã Minh Đài 2 xóm, xã Tân Phú 1 xóm). Tuy diện tích đất đai rộng, song đa số là đồi núi cao, ít đất canh tác nông nghiệp và bị chia cắt bởi hệ thống sông suối phức tạp gắn với tình trạng sạt lở đất, lũ quét khiến đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo khi mới tách huyện chiếm tới gần 62% và tập trung chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cá biệt có những xã tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Thu Cúc, 57,7%, Đồng Sơn 60,7%, Lai Đồng 62%, Vinh Tiền 66,8%.
 
20170725-m12.JPG
Người dân ở Tân Sơn đã được "đánh thức" trên hành trình thoát nghèo bền vững

Theo ông Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở Lao động – TBXH, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, người từng có rất nhiều năm gắn bó với công tác giảm nghèo ở huyện miền núi này, chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nghèo tại Phú Thọ nói chung và huyện Tân Sơn nói riêng còn khá cao. Trong đó, chủ yếu do xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí hạn chế, chênh lệch nhiều so với miền xuôi. Kinh nghiệm, trình độ áp dụng khoa học – kỹ thuật vào phát triển sản xuất vẫn còn ở giai đoạn bước đầu; địa hình đồi núi, đất dốc, thiên tai… khiến hệ thống thủy lợi, tưới tiêu không có sự chủ động. Và đặc biệt hơn cả là tâm lý, tư tưởng trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại vào Nhà nước, không muốn gia đình, địa phương thoát nghèo của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, do không có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú, không có mặt bằng lý tưởng... nên có thể thấy, Tân Sơn không phải là địa phương thích hợp cho việc phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Đồng thời, ngân sách địa phương hạn hẹp, bị động khi phải phụ thuộc vào Trung ương hỗ trợ, khiến tỷ lệ nguồn vốn được phân bổ hàng năm để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án “nhỏ giọt”, “dàn trải”, trong khi năng lực của bộ máy làm công tác giảm nghèo ở cơ sở còn nhiều bất cập nên hiệu quả công tác giảm nghèo thời gian qua chưa đạt như mong muốn.

Tạo động lực giảm nghèo và mô hình sinh kế bền vững

Nhờ được thụ hưởng từ Chương trình 30a của Chính phủ, cộng với việc lồng ghép vốn từ các chương trình, chính sách, dự án khác, đời sống của nhiều đồng bào nghèo từng bước được nâng lên và bộ mặt huyện miền núi Tân Sơn ngày càng khởi sắc. Với những chính sách hỗ trợ khá toàn diện, đây được coi là đòn bảy và tạo động lực để người dân thoát nghèo bằng những mô hình sinh kế bền vững.

20170725-m13.jpg
Chương trình trao bò sinh sản cho hộ nghèo ở Tân Sơn

Ông Nguyễn Bá Khuyến, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, trao đổi: Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với việc tổ chức các hội nghị tới từng khu dân cư, lấy ý kiến của nhân dân về nhu cầu xây dựng, tu sửa, nhu cầu về vốn phát triển sản xuất của từng hộ gia đình. Căn cứ hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, UBND huyện Tân Sơn đã xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020” theo quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, nhận thức của người dân đã từng bước được nâng lên, họ đã trực tiếp tham gia vào các chương trình, hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án. Tổng nguồn vốn huy động trong giai đoạn 2009 - 2016 ước thực hiện được 1.504,5 tỷ đồng, đạt 42% nhu cầu giai đoạn và 32% nhu cầu theo Đề án được phê duyệt.

Tiếp đó, huyện còn chỉ đạo các ngành có liên quan, các địa phương triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách, định mức hỗ trợ đối với người dân theo Đề án. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chuyển đổi giống, cây trồng vật nuôi cho bà con nhân dân, giúp nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập. Nhiều người nghèo, hộ nghèo được tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phát triển ngành nghề, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động nông nghiệp… Chỉ tính trong 8 năm trở lại đây, huyện thực hiện hỗ trợ gần 100 tỷ đồng cho 63 nghìn lượt hộ, trong đó: Chương trình Nghị quyết 30a hỗ trợ cho trên 51 nghìn hộ, với số tiền trên 74  tỷ đồng; Chương trình 135 hỗ trợ trên 11 nghìn hộ, với số tiền trên 20 tỷ đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ trên 1 nghìn hộ, số tiền trên 5 tỷ đồng.

20170725-m14.JPG
Chuyên gia và phòng viên trao đổi về kinh nghiệm thoát nghèo của hộ nghèo xã Đồng Sơn (Tân Sơn)

Giai đoạn 2009 - 2016, vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chương trình Nghị quyết 30a là 212.654 triệu đồng, đạt 12% so với nhu cầu đầu tư. Tân Sơn đã đầu tư xây dựng mới 60 công trình, dự án bao gồm: lĩnh vực giao thông 15 công trình, y tế 17 công trình, giáo dục 17 công trình, thủy lợi 2 công trình, lĩnh vực quản lý Nhà nước 9 công trình Hội trường UBND xã và duy tu bảo dưỡng 9 dự án giáo dục, y tế. Đến nay, tỷ lệ xã có đường giao thông đến được trung tâm đạt 100%, cơ bản hoàn thành các tuyến đường trung tâm huyện và hệ thống chiếu sáng, tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt trên 80%, 12 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 -2020, tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 95%; có 2 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 6 - 14 tiêu chí... Ngoài ra, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, Tân Sơn đã cơ bản hoàn thành công tác xóa nhà tạm giai đoạn một, toàn huyện đã hỗ trợ xoá được 4.200 nhà tạm, trị giá trên 80 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở Tân Sơn đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực nhờ sự nỗ lực hành động của cả hệ thống chính trị với những chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù, các giải pháp đồng bộ phù hợp với vùng miền cùng sự nỗ lực vươn của người dân trong vùng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 giảm còn 26,38% (giảm 26,04% so với năm 2008), mục tiêu của huyện trong năm 2017 là tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 4%; giá trị tăng thêm bình quân đầu người năm 2016 là 17,1 triệu đồng/người/năm tăng 13 triệu đồng/người/năm so với năm 2008 (ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 12,8 triệu đồng/người/năm); mục tiêu hết năm 2017 là 18 triệu/người/năm (ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 13,5 triệu đồng/người/năm).

Tránh tái nghèo - không để người nghèo “đói” thông tin

Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song qua đánh giá thì kết quả giảm nghèo ở huyện miền núi Tân Sơn vẫn chưa thực sự vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, nghèo mới, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tiềm năng về đất đai và lao động chưa được khai thác thực sự hiệu quả; sản phẩm hàng hóa còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; trình độ sản xuất thâm canh nông nghiệp, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều bất cập; tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu, manh mún; chưa nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ còn nhỏ lẻ. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lớn nhất trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững là việc xây dựng kế hoạch giai đoạn và hàng năm của chính quyền cơ sở còn hình thức, nặng về đối phó với việc kiểm tra, giám sát của cấp trên, chưa sâu sát, chưa nhận diện đúng nguyên nhân nghèo và các giải pháp tác động hữu hiệu.

20170725-m15.JPG
Giám đốc Sở Lao động - TBXH Bùi Đức Nhẫn trao đổi về công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Tân Sơn

Để giải quyết được vấn đề tái nghèo nói chung và ở huyện miền núi Tân Sơn nói riêng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo” đã chia sẻ và đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, tựu chung cho rằng, các cơ quan thông tin đại chúng và chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền nhằm phát huy sức mạnh của 3 lực lượng là: người nghèo, cộng đồng và Nhà nước cùng quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người nghèo phải là trọng tâm, sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng, Nhà nước là yếu tố đảm bảo giảm nghèo bền vững.

Đưa ra dẫn chứng về việc người nghèo “đói” thông tin dẫn đến việc mới thoát nghèo đã quay lại hộ nghèo, ông Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở Lao động – TBXH, chia sẻ: Chỉ cách đây khoảng chục năm, ở Tân Sơn có hiện tượng người nghèo sau khi được vay vốn, nhưng do không biết mua cây, con giống đầu tư phát triển kinh tế hộ cho phù hợp nên đã bỏ tiền vào ống nứa cất lên mái nhà. Hay có trường hợp, chồng đi bộ đội gửi tiền về cũng cho vào ống để lên mái nhà, khi chồng về bỏ ra thì tiền đã mục nát do “đói” thông tin về việc đổi tiền của Nhà nước. Hay cá biệt như hộ anh Triệu Văn Liều (40 tuổi) ở bản Bến Thân, xã Đồng Sơn đến giờ vẫn chưa biết vì sao gia đình mình thoát nghèo, trong khi thực tế gia đình anh có khu vườn rừng hơn 1ha nay mới mang lại hiệu quả kinh tế...

20170725-m16.JPG
TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về giảm nghèo

TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – TBXH), cho rằng: Ngoài những nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, địch họa thì danh giới giữa các hộ mới thoát nghèo và trở lại nghèo đói là rất mong manh, do đó yếu tố tuyên truyền, động viên, truyền đạt thông tin chính xác và kịp thời tới người dân là rất quan trọng. Mặc dù, việc tuyên truyền về giảm nghèo đã được thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng khó khăn. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền các chính sách về giảm nghèo trên các cơ quan báo chí cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều bài viết, tin tức về lĩnh vực thông tin trên báo chí vẫn chưa thể vươn tới nhiều nơi tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi đây lại là nơi tập trung đa số hộ nghèo, do đó hiệu quả truyền thông chưa được như mong muốn. Một số cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở việc đưa tin, phản ánh sự kiện, giới thiệu các quan điểm, chính sách, chưa có những bài tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, thiếu những bài bình luận, chuyên luận mang tính khái quát cao. Nội dung tuyên truyền, phổ biến chưa được chọn lọc, chưa sát với người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số nhiều tác phẩm báo chí vẫn mang tính hàn lâm, nặng về thông tin khoa học, chưa tạo sự gần gũi, dễ hiểu cho bà con. Chính vì vậy, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và mọi người dân về công tác giảm nghèo bền vững, nhằm đảm bảo thông tin đến tận cơ sở và đối tượng thụ hưởng, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân.../.
Nguồn: (Trích nguồn từ Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội)