Khơi dậy ý chí làm giàu cho nông dân

7/19/2017 11:02:00 AM

Gần 300 nghìn lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp;các hộ SXKD giỏi tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 nghìn lao động và hơn 15 nghìn lao động thời vụ... là những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện phong trào "Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" (gọi tắt là phong trào SXKD giỏi) của Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc.
 


20170719-m20.jpg
Mô hình trồng hoa ly của gia đình anh Lê Văn Thành, xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm . Ảnh Thế Hùng
 
Ông Trịnh Đình Mao, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Phong trào SXKD giỏi đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia với hơn 150 nghìn người. Qua phong trào, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân đã trở thành nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, tạo sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa tổ chức hội với hội viên, nông dân, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị được Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh giao.
 
Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh xây dựng, giao chỉ tiêu cho Hội Nông dân các huyện, thị, thành số lượng hộ nông dân đăng ký SXKD giỏi các cấp; tập trung chỉ đạo, tăng cường các nguồn lực cho cơ sở, kết hợp kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, kịp thời đưa ra những giải pháp tích cực, hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình hay, hội viên nông dân làm kinh tế giỏi, gương điển hình trong SXKD, giúp đỡ, hỗ trợ tương thân tương ái, giúp hộ nghèo vượt khó... kết hợp tổ chức, tham quan học tập những điển hình xuất sắc trong phong trào... qua đó, đã khích lệ các hộ nông dân phát huy nội lực, thi đua phát triển SXKD, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
 
Để phong trào SXKD giỏi phát triển mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu, Hội Nông dân tỉnh luôn quan tâm tìm các giải pháp nhằm hỗ trợ phong trào. Hàng năm, các cấp hội chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho từ 7 - 8 nghìn lượt hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hướng hữu cơ; sử dụng khai thác Internet, nghiệp vụ quản lý vốn vay; hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất. Cung ứng 3.000 - 3.500 tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm cho nông dân. Phối hợp với Ngân hàng CSXH nhận ủy thác vay vốn cho trên 32.000 lượt hộ với dư nợ hơn 772 tỷ đồng và Ngân hàng NN&PTNT thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, tiếp thêm nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất… tạo động lực thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ngày càng phát triển và số hộ nông dân tham gia đăng ký hàng năm tăng từ 10% - 12%.
 
Thông qua phong trào, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thúc đẩy thành lập nhiều loại hình liên kết, hợp tác xã SXKD. Đến nay, toàn tỉnh có 426 tổ hợp tác, 168 hợp tác xã, 1.470 trang trại chăn nuôi, hàng trăm gia trại, mô hình kinh tế tổng hợp. Nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
 
Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. So với giai đoạn 2007-2012, số hộ có mức thu nhập từ 180 - 200 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần; số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 5 lần. Nhiều tấm gương nông dân quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy lợi thế địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển kinh tế, trở thành những hộ nông dân SXKD giỏi, điển hình như các hộ: Nguyễn Thị Thanh Hải, xã Thiện Kế (Bình Xuyên) chăn nuôi gà, dịch vụ thức ăn, thuốc thú y cho doanh thu bình quân 800 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 7 lao động, với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng; Lê Văn Cương, xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường) chăn nuôi 300 bò sữa, bò thịt vỗ béo cho thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm tại chỗ cho 10 lao động; Khổng Thị Hoa xã Lũng Hòa (Vĩnh Tường) với gần 1ha trồng măng tây kết hợp sản xuất than tổ ong, cho thu lãi trên 500 triệu động/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/ tháng, giúp 2 hộ thoát nghèo... 5 năm qua, toàn tỉnh có gần 300 nghìn lượt hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương gần 8.000 lượt hộ; các hộ nông dân SXKD giỏi đóng góp xây dựng hàng trăm căn nhà tình thương, tình nghĩa và giúp nhiều hộ nghèo cải thiện điều kiện nhà ở và có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất.
 
Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trong tỉnh tự nguyện hiến đất, đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó làm mới và sửa chữa được 216km đường giao thông nông thôn, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước, góp phần quan trọng vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của địa phương.
 
Ông Trịnh Đình Mao, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, cùng với tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào SXKD giỏi, hội phát động phong trào thi đua nông dân Vĩnh Phúc “Vì một nền nông nghiệp an toàn bền vững; môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” giai đoạn 2017 - 2021. Theo đó, các cấp hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, đồng bộ về nhận thức và hành vi trong đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường tới toàn thể cán bộ, hội viên. Xây dựng các mô hình điểm nhóm nông dân liên kết chăn nuôi gia súc “4 không - 2 sạch”; chăn nuôi gia cầm “3 không - 2 sạch” và “4 đúng” trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; “3 xanh - 3 sạch - 3 đẹp” trong cộng đồng dân cư. Hình thành các hình thức tổ chức sản xuất mới, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới trong sinh thái giữ gìn và bảo vệ môi trường. Tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Hình thành Tổ tiếp nhận tin báo của cán bộ, hội viên nông dân qua số điện thoại đường dây nóng; phối hợp các cơ quan chức năng kịp thời xử lý tin báo các vi phạm về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…góp phần vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững.

Mai Liên