Cần có chính sách và giải pháp thiết thực để giảm nghèo bền vững

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn sau khi nghe Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc báo cáo một số vấn đề liên quan đến những chính sách an sinh xã hội của tỉnh, đặc biệt là chính sách giảm nghèo tại hội nghị diễn ra mới đây.

20170719-m18.jpg
Nhờ vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Tam Dương, gia đình chị Đoàn Thị Hương, thôn Ngọc Thạch 1, xã An Hòa (Tam Dương) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh Trà Hương
 
Sau khi nghe Sở LĐ-TB&XH báo cáo về hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo tính đến hết năm 2016 và đề xuất giải pháp thực hiện giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn nhấn mạnh: Để các giải pháp giảm nghèo của tỉnh thực sự hiệu quả cần có sự tham gia vào cuộc tích cực của toàn hệ thống chính trị. Đồng chí đề nghị, trong tổng số 9.500 hộ có khả năng thoát nghèo từ nay đến năm 2020, cần có những chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực để giúp các hộ thoát nghèo như tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; chú trọng giải quyết việc làm để họ có công việc và nguồn thu nhập ổn định. Các huyện, thành, thị cần rà soát lại các hộ nghèo và phân loại số hộ có nhu cầu vay vốn, số hộ có nhu cầu việc làm để thời gian tới có thể ký cam kết giảm nghèo.
 
Chị Đoàn Thị Hương, thôn Ngọc Thạch 1, xã An Hòa (Tam Dương) nhớ lại: "Cách đây 10 năm, gia đình tôi là một trong những hộ nghèo trong xã. Chồng tôi là anh Đào Văn Hoạt không may bị tai nạn giao thông trong tình trạng nguy kịch, nhà cửa xập xệ, con nhỏ, cả nhà chỉ trông mấy sào ruộng, cuộc sống rất khó khăn. Được sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể của thôn đã giúp gia đình vay 30 triệu từ Ngân hàng CSXH huyện Tam Dương. Tôi dùng số tiền đó lo thuốc thang cho chồng, trang trải cuộc sống, rồi mua 1 con bò và vài đôi chim bồ câu. Sau vài năm phát triển chăn nuôi, gia đình tôi có thu nhập ổn định. Hiện gia đình tôi có thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm từ nuôi bò và chim bồ câu. Năm 2017, gia đình tôi đã thoát nghèo”.
 
Theo kết quả điều tra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo, trong đó nguyên nhân do ốm đau, bệnh tật, mắc bệnh nan y chiếm tỷ lệ cao. Tại khu vực nông thôn như các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Tam Dương, Sông Lô, một số xã thuộc huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên do giáp ranh với hệ thống sông Hồng, sông Lô, sông Cà Lồ chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt nên có một số hộ vừa thoát nghèo rồi trở lại diện nghèo, cận nghèo. Tổng số hộ bị ảnh hưởng lên đến 1.190 hộ (chiếm 10,02% tổng số hộ nghèo). Một nguyên nhân nữa là do người dân thiếu vốn để phát triển sản xuất. Mặc dù Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai hệ thống tín dụng đến tận cơ sở, song người nghèo vẫn hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn này, vì họ không có phương án sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như không có kinh nghiệm làm ăn, thiếu kiến thức về thị trường… chủ yếu tập trung ở các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô… Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa và phát triển các khu, cụm công nghiệp nhanh dẫn đến thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Bên cạnh một bộ phận người dân sống ven khu đô thị nhanh nhạy chuyển đổi nghề nghiệp, tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao thì vẫn còn một số hộ, sau khi nhận tiền bồi thường không biết sử dụng hoặc sử dụng tiền không hiệu quả dẫn đến tình trạng chỉ thoát được nghèo trong thời gian ngắn, hết tiền lại tái nghèo. Mặc dù các khu, cụm công nghiệp phát triển nhanh, nhưng nhiều lao động nông thôn vẫn thiếu việc làm vì trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Lao động nông thôn tuy được hỗ trợ và đào tạo nghề nhưng định hướng chưa sát dẫn đến khó tìm việc trong các nhà máy, xí nghiệp…
 
Thực hiện Quyết định số 1722/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động số 16 CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở số liệu điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn này, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 9104/KH-UBND thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, trong đó đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 1-1,5%, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2%, riêng thành phố Vĩnh Yên tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%. 100% đối tượng hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và cận nghèo được thụ hưởng các chính sách về y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý, tiếp cận công nghệ thông tin và nước sạch. 100% hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư SXKD được hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH tỉnh; 100% hộ chính sách, người có công không thuộc hộ nghèo. Phấn đấu đến 2020, số hộ đạt chuẩn tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng NTM từ 90% trở lên; toàn tỉnh không có hộ nghèo ở nhà dột nát, thiếu nhà ở kiên cố; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có yêu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, thôn/khu dân cư được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản; công tác quản lý theo dõi diễn biến hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều tiếp tục ứng dụng CNTT ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã; các sở, ngành, đơn vị các cấp cần thực hiện chính sách giảm nghèo và những chính sách có liên quan phải đạt 90% trở lên sự hài lòng của người dân. Kế hoạch được giao cho Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý điều hành; các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện./.
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Vĩnh Phúc)