Vĩnh Yên nỗ lực giảm nghèo đa chiều, bền vững

Theo Quyết định số 59 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016 - 2020, việc tiếp cận và triển khai các giải pháp giảm nghèo được thực hiện theo hướng đa chiều, ngoài yếu tố thu nhập còn tính tới sự thiếu hụt trong thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, các giải pháp giảm nghèo đa chiều đã và đang được các cấp ủy, chính quyền thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tích cực triển khai và đạt được những kết quả tích cực.

Bên cạnh thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ người nghèo của tỉnh và Trung ương, thành phố Vĩnh Yên còn có những cơ chế hỗ trợ đặc thù riêng và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm từ 4,38% xuống còn 1,07%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 1,97% xuống còn 0,85%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra.
Các chương trình, giải pháp giảm nghèo của thành phố Vĩnh Yên trong giai đoạn 2010 - 2015thực sự phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn mới 2016 - 2020, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững có những thay đổi mới, các tiêu chí đo lường nghèo sẽ được tiếp cận theo hướng đa chiều, không chỉ tính yếu tố về thu nhập mà còn cả mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Việc áp dụng tiêu chí nghèo đa chiều khiến số lượng hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố đã có sự thay đổi theo chiều hướng gia tăng, nếu như cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của thành phố là 1,07%, cận nghèo là 0,85% thì theo số liệu tổng rà soát, điều tra theo tiêu chí mới, đầu năm 2016, thành phố có 2,12% hộ nghèo (543 hộ), 1,33% hộ cận nghèo (341 hộ). Bên cạnh tiêu chí về thu nhập, qua rà soát, trong số hộ nghèo, cận nghèo của thành phố có 260 hộ thiếu hụt về y tế, bảo hiểm y tế; 116 hộ chất lượng nhà ở không đảm bảo; 83 hộ sử dụng nguồn nước sinh hoạt không hợp vệ sinh; 100 hộ sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh; 38 hộ không có tài sản tiếp cận thông tin; 7 hộ không được tiếp cận dịch vụ viễn thông…
 
Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giúp nhận dạng đối tượng nghèo một cách chính xác, cụ thể hơn, đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Việc xác định mức độ thiếu hụt thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều nhằm góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng, mặt khác, giúp cho địa phương xây dựng kế hoạch ngân sách thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội phù hợp hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận nghèo đa chiều đã đặt ra cho thành phố Vĩnh Yên những nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có sự thay đổi trong các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo.
 
Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo theo hướng đa chiều, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, thành phố Vĩnh Yên đã xây dựng Chương trình giảm nghèo - giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020; phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống dưới 1%, hộ cận nghèo xuống dưới 0,8%; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT, chăm sóc sức khỏe; 100% hộ nghèo có các thành viên thiếu hụt về tiêu chí giáo dục được tạo điều kiện để tham gia học tập; 90% hộ nghèo đang ở nhà không đảm bảo được hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới; 90% hộ nghèo do thiếu kiến thức, việc làm, đất, vốn sản xuất được hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức…Trên cơ sở định hướng được xác định, ngay từ đầu năm 2016, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo của thành phố và các xã, phường được kiện toàn. Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo được quan tâm, chú trọng, giúp đội ngũ cán bộ trang bị hệ thống văn bản, chính sách từ Trung ương đến cơ sở và các kiến thức kỹ năng để triển khai thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo tại địa phương. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, được thực hiện đồng bộ, đúng quy định. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh giúp người dân kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách, chế độ hỗ trợ đối với người nghèo của Trung ương, tỉnh và thành phố. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức tự lực, tự cường để các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tự giác, cố gắng học nghề, học tập kinh nghiệm trong sản xuất; chủ động vay vốn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, thành phố phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh giúp người nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức hỗ trợ người nghèo trên địa bàn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề gắn với hỗ trợ sản xuất. Các hoạt động hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, kỹ năng sống… được tích cực triển khai, từng bước bù đắp những thiếu hụt trong thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Với những giải pháp đồng bộ, đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố giảm còn 1,73%, giảm 0,39% (81 hộ) so với đầu năm; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,27%, giảm 0,06% so với đầu năm.
 
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2017, thành phố Vĩnh Yên tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều. Theo kế hoạch, thành phố tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh hỗ trợ 340 hộ nghèo trên địa bàn vay vốn phát triển sản xuất với kinh phí hơn 15,3 tỷ đồng; phối hợp rà soát, cấp trên 2000 thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo; thực hiện nhanh chóng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, Trung ương đối với người nghèo, cận nghèo. Ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 105 triệu đồng xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho 15 hộ nghèo; hỗ trợ trên 680 triệu đồng kinh phí xây nhà, sửa nhà cho 23 hộ nghèo đang ở nhà tạm; hỗ trợ trên 100 triệu đồng kinh phí xây nhà vệ sinh cho hộ nghèo chưa có nhà đảm bảo yêu cầu; hỗ trợ lắp đặt nước sạch hợp vệ sinh cho 11 hộ nghèo, lắp đặt ti vi cho 8 hộ nghèo; tổ chức khám, tư vấn sức khỏe cho người nghèo, cận nghèo; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, tập huấn kiến thức cho người nghèo, cận nghèo…
 
Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo của thành phố Vĩnh Yên tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo các chỉ tiêu Chương trình giảm nghèo 2016 - 2020 thành phố đã đề ra, tạo điều kiện để người nghèo trên địa bàn tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế tái nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Vĩnh Phúc)