Thừa Thiên Huế: Sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Đó là lời khẳng định của ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề “Thừa Thiên Huế với công tác giảm nghèo bền vững” sáng 25/5.

Thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2016 giảm còn 7,19%. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể và lồng ghép với các chương trình, dự án liên quan đến mục tiêu giảm nghèo nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội hiệu quả nhất.
 
Cùng với đó, nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực giảm nghèo, tạo việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được ghi nhận, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, tỉ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị giảm, thời gian sử dụng lao động khu vực nông thôn không ngừng được tăng lên và tăng số lao động được tạo việc làm mới qua các năm. Tạo bước chuyển biến cơ bản về văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc về xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

20170719-m16.jpg
Lãnh đạo các ngành tham gia buổi trực tuyến
 
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã trả lời cụ thể, thấu đáo nhiều câu hỏi của Nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135 và các chính sách hỗ trợ khuyến nông - lâm - ngư phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều câu hỏi được đặt ra như làm thế nào để được vay vốn để phát triển sản xuất sau khi học nghề? Các tiêu chí xác định hộ nghèo để đảm bảo sự công bằng cho người dân? Người nghèo muốn vay vốn ưu đãi để đi xuất khẩu lao động? Các ngành liên quan có biện pháp gì để huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững. Sau khi hướng dẫn chi tiết các thủ tục để người lao động tiếp cận với nguồn vốn vay, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, người dân quan tâm đến những chính sách đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; chính sách hỗ trợ tín dụng, vay vốn ưu đãi giảm nghèo; các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, BHYT đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
 
Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: "Để thực hiện chương trình giảm nghèo có hiệu quả, ngoài nguồn vốn của Nhà nước, việc huy  động nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ, vốn viện trợ ODA, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp và nhất là phát huy nội lực của chính hộ nghèo, người nghèo trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo".
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính khẳng định: "Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, tỉnh sẽ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác giảm nghèo; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững./.
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Đắk Lắk Điện tử)