Thừa Thiên Huế: Tiến hành hỗ trợ hộ nghèo khu vực miền núi vay vốn ưu đãi

Từ ngày 07/7/2017, hộ nghèo ở các thôn, bản, buôn, xã… thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã khu vực 3, thôn đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH để tạo đất sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề

20170719-m12.jpg
 
Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2017 - 2020  theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi từ 3% đến 4%/năm. Bên cạnh đó, giải quyết  đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn. Nguyên tắc thực hiện là hỗ trợ trực tiếp đến hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản khó khăn. Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; các hộ được hỗ trợ phải sử dụng vốn đúng mục đích.

Đây là nội dung trong văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay số 2925/NHCS-TDNN ngày 03/7/2017 của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) về thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.
 
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, đối tượng được vay chỉ được vay vốn để sử dụng vào một trong các mục đích: Khách hàng là hộ đồng bào DTTS nghèo ở các thôn, bản, buôn…, xã thuộc vùng DTTS và miền núi; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi để tạo đất sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề. Trong đó, người vay chỉ được vay vốn để sử dụng vào một trong các mục đích sau: Vốn vay được sử dụng vào việc chi phí khai hoang, phục hóa, phục hóa đất sản xuất hoặc tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất.
 
Khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn; có phương án sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh. Trong đó, người vay chỉ được vay vốn để sử dụng vào một trong các mục đích: đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ngành nghề không trái pháp luật (mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán…). Theo đó, người vay có thể vay một hoặc nhiều lần, nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức cho vay áp dụng với hộ nghèo trong từng thời kỳ, thời hạn vay tối đa 10 năm. Hiện mức cho vay tối đa với hộ nghèo là 50 triệu đồng/hộ, lãi suất cho vay được tính bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ (lãi suất cho vay đối với hộ nghèo đang là 6,6%/năm). Riêng đối với người vay vốn để tạo đất sản xuất thì ngoài việc căn cứ vào các điều kiện còn phải căn cứ vào thời hạn còn lại được sử dụng đất sản xuất của hộ vay và NHCSXH chỉ xem xét cho vay khi thời hạn còn lại được sử dụng đất sản xuất bằng hoặc lớn hơn thời hạn cho vay đã thỏa thuận
 
20170719-m13.jpg
Người nghèo khu vực miền núi sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi

Để triển khai hiệu quả Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, ngày 05/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc  Đính đã có buổi làm việc với Ban dân tộc và các sở, ban ngành, địa phương liên quan nhằm triển khai các nội dung quyết định cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg, trong đó đề xuất cụ thể một số chính sách quyết định theo thẩm quyền của UBND tỉnh quy định tại Quyết định 2085/QĐ-TTg cũng như xem xét điều chỉnh hạn mức đất tại Quyết định số 60/2014/QĐ-UBND ngày 09/9/2014 của UBND tỉnh quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn sống bằng nghề lâm nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Được biết, hệ thống NHCSXH là đơn vị duy nhất trực tiếp cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn tại các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Đây là mô hình hoạt động đặc trưng, thể hiện tinh thần phục vụ khách hàng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống gia đình, từng bước vươn lên làm giàu.
 
 
Nguồn: (Trích nguồn từ Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội)