Nam Định: Đòn bẩy trong giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo mỗi năm 1,5%, ngoài sự vào cuộc của toàn xã hội, hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) nơi đây đã chuyển tải nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ tới hộ nghèo, gia đình chính sách là tác nhân tích cực cho công cuộc giảm nghèo ở địa phương.

Nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác giảm nghèo 
 
Về làng nghề ươm tơ, dệt lụa Cổ Chất, xã Phương Định, huyện Trực Ninh tìm hiểu công tác cho vay chúng tôi được chứng kiến những cỗ máy dệt râm ran khắp con ngõ, những lò ươm tơ nóng bỏng khói hơi bốc lên như xương mù và những người thợ đang kéo sợi tơ trong mồ hôi nhễ nhại vớt những sợi tơ tằm óng mượt. Chị tổ trưởng Đoàn Thị Thanh- người hơn 10 năm làm tổ trưởng vay vốn hộ phụ nữ dẫn chúng tôi đến hộ vay, chị cho biết, tổ chị hiện có 41 hội viên vay vốn, dư nợ hơn 1 tỷ đồng, phần lớn hộ vay trong tổ đầu tư làm nghề ươm tơ, dệt vải, nhờ vốn vay ưu đãi mà các hộ có điều kiện làm ăn, nhiều hộ không những thoát nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu, công tác hội cũng hoạt động đông hơn, hiệu quả hơn nhờ gắn kết công việc ủy thác và bình xét cho vay”.
 
20170718-m10.jpg
Gia đình chị Đặng Thị Yên vay 50 triệu chương trình hộ cận nghèo cải tạo ruộng lúa bạc màu thành ao nuôi cá cho hiệu quả kinh tế.

Đến nhà chị Phạm Thị Quý ở thôn Cổ Chất 2, gia đình có hoàn cảnh éo le, chồng mất sớm, con nhỏ, được NHCSXH cho vay 40 triệu đồng chương trình hộ nghèo chị đầu tư làm nghề ươm tơ. Những nồi nước sôi luộc kén kéo tơ bốc hơi nghi ngút để cho ra những cuộn tơ vàng óng, là sản phẩm sẽ giúp gia đình chị thoát cảnh nghèo khó, từ lúc làm nhỏ lẻ, nay chị mở rộng phải thuê thêm 4 - 5 người làm, chị xúc động kể: “Có được vốn vay ưu đãi gia đình rất mừng, vay lãi suất thấp thủ tục lại đơn giản, vừa rồi được vay lần thứ 2, chắc hết lần vay này gia đình tôi sẽ thoát nghèo thôi!”.
 
Không có nồi hơi ươm tơ như nhà chị Quý, gia đình bà Giang Thị Hương có gần chục máy dệt băng gạc y tế,  hai vợ chồng bà đang cặm cụi bên những cỗ máy dệt khung gỗ, tiếng lách cách râm ran đến ong tai trong lán bằng khung tre mái lá chừng 50m2 khiến những người tham quan chỉ đứng được vài phút, bà Hương cho biết: “Nhờ vốn vay từ NHCS, lúc đầu chỉ mua được 2 máy, rồi tích cóp mỗi năm giờ có gần chục máy rồi, tuổi chúng tôi giờ đi làm công ty họ không thuê nữa, nếu không có những máy này thì không biết làm gì?Nhà có máy dệt thuê mỗi ngày cả gia đình làm cũng được mấy trăm ngàn, còn tự chủ được công việc, chúng tôi sẽ trả hết gốc lãi cho ngân hàng đúng hẹn!”
 
Ông Ma Thanh Cát, Chủ tịch Hội nông dân xã Phương Định thì cho biết: “Nguồn vốn vay ưu đãi như đòn bẩy  giúp bà con hộ nghèo, đối tượng chính sách trong xã có điều kiện phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm góp phần nâng cao đời sống. Hộ vay được niêm yết công khai ở ủy ban xã nên đồng vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích. Nguồn vốn chính sách cũng đã đóng góp hoàn thành nhiều tiêu chí cho chương trình xây dựng nông thôn mới của xã , hiện 19/19 tiêu chí đã cơ bản hoàn thành, chỉ trong năm nay xã sẽ hoàn thành mục tiêu”.
 
20170718-m11.jpg
Cánh đồng hoa được chuyển đổi từ ruộng kém hiệu quả ở xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc xanh tốt phần nhiều nhờ vốn vay ưu đãi.  
 
Đi thực tế tại huyện Mỹ Lộc, vùng đất nông nghiệp màu mỡ của tỉnh với nhiều sản phẩm rau màu đặc trưng nhưng ở huyện còn không ít diện tích đất bạc màu, ruộng kém hiệu quả. Để chuyển đổi cây trồng vật nuôi hiệu quả hơn bà con nơi đây rất cần sự giúp đỡ của chính quyền đặc biệt nguồn vốn để đầu tư cải tạo, chuyển đổi. Rồi đồng vốn chính sách đã đến với hộ nghèo, gia đình chính sách nơi đây, những diện tích hoa xanh tốt, bông to được chuyển đổi từ vườn màu kém hiệu quả, những ruộng trồng lúa bạc màu cải tạo thành ao nuôi cá cho năng xuất cao là minh chứng cho hiệu quả từ các chương trình cho vay ưu đãi nơi đây.
 
Với 40 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm cùng với nguồn vốn khác, gia đình anh Trần Văn Quyên ở thôn Nội, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc đã mở rộng, cải tạo 2,3 ha ruộng trồng lúa đã bạc màu thành ao nuôi cá trắm đen, trồng cây ăn quả cho thu nhập gấp nhiều lần trước đây, anh Quyên tâm sự: “Nguồn vốn của NHCSXH tuy không nhiều nhưng nó là nguồn động viên lớn cho gia đình, được vay lãi suất thấp lại dài hạn nên gia đình cũng đỡ một khoản chi phí, hơn nữa đây là vốn vay cho lúc khởi đầu sự nghiệp nên rất có ý nghĩa, mình rất cám ơn đồng vốn ưu đãi”.
 
Không phải cải tạo ruộng lúa như nhà anh Quyên, gia đình bà Trần Thị Soi ở xóm Hồng Hà 1, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc gia cảnh khó khăn bởi chồng mất sớm, nghèo khó không có vốn nên cuộc sống gia đình như trong đêm tối. Rồi ánh sáng cũng đã đến với gia đình bà, năm 2012, được đoàn thể trong xã đóng góp xây tặng nhà tình thương, được NHCS cho vay vốn, gia đình đầu tư chuyển đổi 5 sào vườn trồng hoa, nhờ chịu khó làm ăn cuộc sống gia đình bớt khó khăn và kinh tế khấm khá hơn, rồi thoát nghèo, 2 cậu con trai đã lớn lại chịu khó làm thêm nghề phụ, năm 2016 đã xây được ngôi nhà mới khang trang.
 
Phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương

20170718-m12.jpg
Những người thợ ươm tơ bên những nồi nước sôi nghi ngút đang kéo những sợi tơ vàng óng của gia đình chị Phạm Thị Quý ở thôn Cổ Chất 2, xã Phương Định.

Sau 15 năm hoạt động, bình quân mỗi năm chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định đã giải ngân cho khoảng 40 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác. Dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng đáng kể qua từng năm, từ 203 tỷ đồng năm 2003 đến nay đã có dư nợ trên 2.500 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 602.144 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác được tiếp cận vốn vay ưu đãi, trong đó có 81.462 hộ đã thoát ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 49.924 lao động; hỗ trợ cho 2.372 lao động đi xuất khẩu lao động có kỳ hạn; 110.340 học sinh sinh viên được vay vốn trang trải học tập, 158.692 công trình nước sạch, 147.408 công trình vệ sinh được làm từ vốn vay ưu đãi… là những con số vô cùng ấn tượng nói lên hiệu quả thực tế của nguồn tín dụng chính sách trên địa bàn.
 
“Chặng đường 15 năm hoạt động của NHCXH chi nhánh Nam Định đã đạt được những kết quả đáng khích lệ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương, tuy nhiên nhiệm vụ phía trước còn nhiều khó khăn, những cán bộ làm tín dụng chính sách  ngoài việc giải ngân kịp thời, không để đọng vốn còn phải tăng cường cùng cấp hội kiểm tra, giám sát hộ vay để đồng vốn chính sách luôn sinh lời, thực sự là những chiếc “cần câu” cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác” đó là những tâm tư đầy trách nhiệm của anh Trần Duy Hưng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định./.
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Điện tử Dân Sinh)