Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc

Hiện nay, Tây Bắc là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước: năm 2010 là 34,58%, cao gấp 2,44 lần tỷ lệ chung của cả nước, năm 2015 là 29,14%, cao gấp 2,95 lần tỷ lệ chung của cả nước (theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo năm 2010 và 2015). Vì vậy, nhiệm vụ giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng này luôn là bài toán khó đối với lãnh đạo các cấp.

20170718-m3.jpg
Xây dựng đường nông thôn bê tông hóa từ vốn Chương trình 135 tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
(Ảnh: Ngọc Quỳnh/Báo Công Thương)
 
Tây Bắc gồm 12 tỉnh và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, có hơn 11,6 triệu người sinh sống (trong đó 63% là đồng bào dân tộc thiểu số). 

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo nói chung và giảm nghèo cho vùng Tây Bắc nói riêng. Nhờ đó, công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc giảm từ 34,41% năm 2010 xuống còn 15% vào cuối năm 2015, bình quân giảm gần 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP giảm còn khoảng 26% vào cuối năm 2015, bình quân giảm khoảng 6%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã được đầu tư theo Chương trình 135 cũng đã giảm từ 3 - 5% mỗi năm, đạt mục tiêu đề ra, trong đó 21 xã đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình 135. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn được coi là “lõi nghèo” của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 vẫn ở mức cao nhất cả nước với 29,14% hộ nghèo và 10,69% hộ cận nghèo. Trên địa bàn 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a có 49,98% hộ nghèo và 12,26% hộ cận nghèo; trên địa bàn 12 huyện hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết 30a có 46,56% hộ nghèo và 14,09% hộ cận nghèo.
 
Cũng theo báo cáo, từ năm 2001 đến năm 2015, các chương trình và chính sách xóa đói giảm nghèo đã có tác động toàn diện, đều khắp đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Tây Bắc. Đến nay, các tỉnh Tây Bắc đã đạt được các mục tiêu về giao thông, điện, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, nhà ở, cơ sở khám chữa bệnh, thông tin, viễn thông. Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nông thôn mới, tính đến năm 2015, cả nước có 1.298 xã, bằng 14,5% số xã, thì trong đó vùng Tây Bắc có 107 xã, chiếm 4,62% số xã đã về đích nông thôn mới.
 
Bên cạnh các kết quả đã đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo thời gian qua, vùng Tây Bắc vẫn còn một số những khó khăn, hạn chế như: kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các vùng, miền không đồng đều, nguy cơ tái nghèo còn cao; Nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, vốn vay giải quyết việc làm còn chưa đáp ứng so với yêu cầu; Cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu so với nhu cầu thực tế của địa phương; Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn đã được quan tâm, tổ chức thực hiện nhưng chưa thường xuyên; Một số địa phương còn thụ động trong thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; Công tác lồng ghép nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao.
 
Chủ trương phát triển kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo cho khu vực Tây Bắc, đồng chí Nguyễn Văn Bình -  Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định việc xóa đói giảm nghèo vùng Tây Bắc, đặc biệt tại các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao là nhiệm vụ then chốt, thiết thực và cấp thiết trong thời gian tới.
 
Còn theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Bộ đã triển khai Đề án Giải pháp giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc giai đoạn 2016 – 2020 trình cấp có thẩm quyền nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Trong thời gian tới, Bộ sẽ cho triển khai một số nhiệm vụ như: Điều tra, đánh giá hiệu quả việc thực thi các chính sách, giảm mạnh cơ chế cho không đồng thời hỗ trợ cơ chế cho vay để đầu tư các công trình thiết yếu; Tập trung giải quyết 6 trục giao thông chính trong vùng, tạo sự kết nối các tuyến đường mang tính xương cá, chia cắt địa hình phức tạp. Tuy nhiên, để Đề án thực sự có hiệu quả, các địa phương cần cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế trong từng lĩnh vực, khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư vào vùng, tập trung đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế và xuất khẩu lao động; Triển khai có hiệu quả hai Chương trình Mục tiêu Quốc gia là Giảm nghèo và Nông thôn mới, tái cơ cấu nông thôn, nông nghiệp, tập trung tích tụ đất để phát triển sản xuất và các mô hình liên hợp tác xã kiểu mới; Tập trung đào tạo bền vững nguồn nhân lực; Khuyến khích, ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng Tây Bắc thông qua gói tín dụng thương mại nhằm thu hút lao động, tạo việc làm cho người lao động./.
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo điện tử ĐCSVN)