Chuẩn nghèo đa chiều vừa là khó khăn, thách thức; vừa là cơ hội cho công tác xóa đói giảm nghèo bền vững

Với việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, các hộ nghèo có cơ hội tiếp cận đầy đủ hơn với các loại dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, việc chuyển đổi tiêu chí nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đã đặt ra không ít thách thức cho các địa phương trong thực hiện bền vững các chính sách giảm nghèo.

20170717-m45.jpg
Ảnh minh họa: giamngheo.molisa.gov.vn
 
Chuẩn nghèo đa chiều sẽ làm tăng tỷ lệ hộ nghèo, tạo ra nhiều thách thức

Theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, cách tiếp cận hộ nghèo có sự thay đổi từ đơn chiều (tiêu chí về thu nhập) sang đa chiều (cả về thu nhập và sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin). Điều này dẫn đến tỷ lệ hộ tái nghèo có chiều hướng tăng cao.
 
Như tại tỉnh Cao Bằng, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh, kết quả điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh chiếm 52,36%, trong đó, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 42,5% (tăng gấp gần 3 lần so với chuẩn nghèo đơn chiều cuối năm 2015).
 
Tại tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có chiều hướng tăng cao. Theo số liệu của UBND tỉnh về kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới, tính đến hết tháng 8/2016, toàn tỉnh có 128.898 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,51% tổng số hộ toàn tỉnh, như vậy so với chuẩn cũ, số hộ nghèo tăng 35.586 hộ (tương đương với 3,61%); một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo tăng như: Mường Lát 71,40% (tăng 31,58% so với chuẩn cũ); Quan Sơn 41,87% (tăng trên 10%); Yên Định 9,70% (tăng 3,46%); Triệu Sơn 15,61% (tăng 3,01%) ...
 
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, trong tổng số 128.893 hộ nghèo, có 56.274 hộ nghèo vừa thiếu hụt thu nhập, vừa thiếu hụt đa chiều các dịch vụ xã hội cơ bản (hộ nghèo cùng cực), chiếm 43,78% số hộ nghèo; 34.123 hộ nghèo thiếu hụt về thu nhập nhưng không thiếu hụt đa chiều các dịch vụ xã hội cơ bản, chiếm 26,54% số hộ nghèo; 38.496 hộ nghèo không thiếu hụt về thu nhập (có thu nhập trên chuẩn nghèo và dưới chuẩn mức sống tối thiểu), nhưng thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, chiếm 29,68%.
 
Cách tiếp cận chuẩn nghèo theo tiêu chí đa chiều cũng dẫn đến không ít thách thức trong công tác giảm nghèo. Điển hình như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 vừa công bố, Bà Rịa – Vũng Tàu có 14.789 hộ nghèo, trong đó có 3.321 hộ nghèo chỉ có mức thu nhập bình quân 700.000 đồng/người/tháng (khu vực nông thôn) và 900.000 đồng/người/tháng (khu vực thành thị). Con số này cao gấp 1,3 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Theo chia sẻ của ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2016 - 2020 phát sinh một số vấn đề liên quan như hộ nghèo tham gia BHYT, sử dụng nguồn nước sinh hoạt (điều kiện sống)... Theo kết quả điều tra, đa số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thiếu hụt về tiêu chí tham gia BHYT. Trong đó, Long Điền là địa phương có tỷ lệ cao nhất với 89,72%. Vấn đề đáng nói ở đây là hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đều được hỗ trợ BHYT từ chương trình giảm nghèo, nhưng không được tính là đã tham gia BHYT. Vì vậy, địa phương nào có tỷ lệ hộ nghèo cao đồng nghĩa với việc càng nhiều hộ nghèo thiếu hụt về BHYT.
 
Việc chấm điểm chỉ số nguồn nước sinh hoạt để được công nhận thoát nghèo còn khó áp dụng trên thực tế. Hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực thành thị có giếng đào để lấy nước sinh hoạt sẽ được chấm 5 điểm, còn ở khu vực nông thôn lại không được chấm điểm. Trong khi số hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực nông thôn sử dụng giếng đào cao hơn so với ở thành thị. Bên cạnh đó, nhiều người nghèo còn tâm lý ỷ lại, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước. Đa số hộ nghèo có trình độ học vấn thấp dẫn đến việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm ăn còn hạn chế..., cũng gây khó khăn cho công tác giảm nghèo của địa phương.
 
Tại tỉnh Bạc Liêu, qua tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo đầu năm 2016, số hộ nghèo của tỉnh chiếm tỷ lệ 15,55%, số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ trên 7,03%. Thực tế cho thấy, nhiều hộ nghèo từng được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên chuẩn và đã thoát nghèo, nay lại tái nghèo do không đáp ứng các tiêu chí theo quy định mới. Theo kết quả điều tra mới đây, tiêu chí thiếu hụt cao nhất của hộ nghèo toàn tỉnh là tiêu chí nhà vệ sinh (trên 85,9%); tiêu chí thiếu hụt về nhà ở thì gần 84,4%; tiêu chí về bảo hiểm có mức thiếu hụt trên 74%; mức thiếu hụt trình độ giáo dục của người lớn gần 42,9%. Riêng 6 tiêu chí còn lại mức độ thiếu hụt chiếm tỷ lệ không cao.
 
Sẽ có thêm nhiều cơ hội và các tiếp cận để xóa đói giảm nghèo bền vững, hiệu quả
 
Bên cạnh những thách thức nói trên, việc chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo theo cách tiếp cận đa chiều sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn với nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó tạo cơ hội để các địa phương trong cả nước thực hiện bền vững hơn các chính sách giảm nghèo.
 
Theo nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo mới đây về vấn đề giảm nghèo đa chiều bền vững cho các tỉnh Tây Bắc, giảm nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhằm khắc phục, hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập, nhưng lại nghèo về các khía cạnh khác. Thay vì chỉ xem xét nghèo theo thu nhập, những ai không được khám chữa bệnh, không được đến trường, không được tiếp thông tin cũng được xác định là nghèo. Cái nghèo không chỉ gắn liền với sự thiếu thốn thu nhập hay chi tiêu, mà còn là việc không được thoả mãn các nhu cầu cơ bản khác của con người.
 
Với mục đích tác động tốt hơn, toàn diện hơn đến người nghèo, việc chuyển đổi đánh giá nghèo từ đơn chiều sang đa chiều nhằm giúp đảm bảo mức sống tối thiểu, đồng thời đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững. Thông tin về tình trạng nghèo đa chiều cũng giúp theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các nhóm chính sách giảm nghèo và phát triển xã hội qua thời gian giữa các vùng, các nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp…
 
Để đảm bảo thực hiện các chính sách giảm nghèo đa chiều bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đặt ra nhiều giải pháp quan trọng như: đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình MTQG GNBV ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản ĐBKK; trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, cả đa phương, song phương và các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đồng thời tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình;…

 

Như vậy, nhìn một cách tổng quan, việc xác định nghèo theo chuẩn đa chiều sẽ tạo ra thêm nhiều thách thức mới cho công tác xóa đói giảm nghèo, nhưng đó cũng là những cơ hội để ngành chuyên môn nhìn nhận đúng bản chất, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, từ đó có thêm nhiều giải pháp và cách tiếp cận để thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo một cách thực chất và bền vững./.
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo điện tử ĐCSVN)