Lai Châu gắn công tác xóa đói giảm nghèo với bảo đảm quốc phòng an ninh

Lai Châu là một trong những tỉnh miền núi, biên giới, khó khăn nhất của cả nước. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn.

Xóa đói giảm nghèo bền vững luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Lai Châu
 
Ước đến hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lai Châu giảm từ 40,4% năm 2015 xuống còn 36,51%, riêng các huyện nghèo giảm bình quân 4,37%; tổ chức đào tạo nghề cho 6.200 lao động, đạt 100% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn lên 42,8%, đạt 100% kế hoạch; giải quyết việc làm mới cho 6.845 lao động, bằng 100,6 % kế hoạch trong đó xuất khẩu lao động 100 người, đạt 100% kế hoạch. Công tác xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Trong năm qua, Lai Châu đã thực hiện phân bổ 713,2 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho 8.822 hộ/43.856 khẩu; thăm hỏi, tặng 40.690 suất quà, trị giá 19,3 tỷ đồng cho hộ nghèo và các đối tượng khác nhân dịp tết Bính Thân; triển khai thực hiện 2 mô hình bò sinh sản tại 02 xã Vàng San, Pa Ủ huyện Mường Tè, hỗ trợ 48 con bò cho các hộ nghèo dân tộc Mảng, La Hủ.
 
20170717-m40.jpg
Người nghèo vùng dân tộc thiểu số có cuộc sống ngày càng khá giả nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135. (Ảnh Trần Quỳnh)
 
Trong số các chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đáng chú ý là Chương trình 135 đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi tỉnh Lai Châu. Với 2 hợp phần chính là hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng, trong 3 năm từ 2014 đến 2016, Chương trình 135 đã hỗ trợ cho trên 34.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo và nhóm hộ được thụ hưởng với tổng số 195 con trâu, 12 con bò; 1.821 con lợn, 399 con dê; gần 165.500 con gà, vịt; xấp xỉ 2.000 máy móc sản xuất; hỗ trợ làm 559 chuồng trại chăn nuôi; xây dựng 2 mô hình sản xuất;… Trong quá trình thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh còn lồng ghép để thực hiện các mục tiêu quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn, giúp cho đồng bào giải quyết bớt phần khó khăn về giống và kỹ thuật, vật tư sản xuất, giúp nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.
 
Sau một thời gian đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, đến nay đã có 332 công trình các loại thuộc nguồn vốn 135 đã được duy tu bảo dưỡng nhằm nâng cao tuổi thọ, nhờ đó đã giúp giải quyết phần nào những khó khăn của người dân về cơ sở hạ tầng, đồng thời giúp tăng cường giao thương buôn bán và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong vùng, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh Lai Châu.
 
Nói về quá trình triển khai Chương trình 135 trong thời gian qua, đồng chí Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, Chương trình 135 được triển khai theo hướng đầu tư trực tiếp và trao quyền nhiều hơn cho người dân. UBND cấp huyện quyết định đầu tư tất cả các dự án thuộc Chương trình 135; 100% các xã được phân cấp làm chủ đầu tư dự án phát triển sản xuất và nguồn vốn duy tu bảo dưỡng. Người dân là người chủ thực sự của các chính sách các công trình đầu tư phúc lợi công cộng, hỗ trợ trực tiếp cho người dân; người dân là người trực tiếp được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách, do vậy họ được trao quyền nhiều hơn trong việc trực tiếp tham gia hoặc cử đại diện cho mình tham gia vào các hoạt động của chương trình. Người dân được thông báo về chủ trương, kế hoạch đầu tư của chương trình, được hỏi ý kiến, bàn bạc, thảo luận, được tham gia, ra quyết định, được giám sát, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và đặc biệt khẳng định quyền làm chủ thực sự của người dân.
 
Nhờ sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, việc triển khai Chương trình 135 đã đạt được nhiều kết quả tích cực; song quá trình thực hiện đã gặp phải không ít những hạn chế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của Chương trình.
 
Theo chia sẻ của đồng chí Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, so với cả nước, Lai Châu vẫn là một tỉnh nghèo. Toàn tỉnh hiện có 6/8 huyện, thành phố nằm trong tốp những huyện nghèo nhất cả nước và có 75 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 617 thôn, bản ĐBKK. Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại thời điểm 1/1/2016, tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh là 36.094 hộ, tỷ lệ hộ nghèo là 40,4%; số hộ cận nghèo là 8.982 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo là 10,05%. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 90% như: Bum Tở 94,8%, Pa Vệ Sủ 94%, Pa Ủ 94%... Con số này cho thấy tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, tập trung chủ yếu ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa, do đó đối tượng thụ hưởng cao, nhu cầu vốn lớn; trình độ dân trí không đồng đều ảnh hưởng tới việc tuyên truyền chính sách đến với người dân, sự tham gia của người dân vào quá trình thực hiện Chương trình,… Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo ở đồng bào DTTS để được hưởng đầu tư nhiều hơn. Công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình 135 sau đầu tư cũng còn bất cập, trách nhiệm của người sử dụng đối với các công trình chưa cao, trông chờ vào nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Giảm nghèo luôn được gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng an ninh biên giới
 
Lai Châu là một tỉnh miền núi, biên giới, có 273 km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Vì vậy, trong công tác xóa đói giảm nghèo, tỉnh Lai Châu luôn xác định phải gắn kết chặt chẽ với công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh.
 
Việc xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho đời sống của người dân nghèo, nhất là đối với địa bàn các xã biên giới, giúp đồng bào yên tâm bám bản, bám làng lao động sản xuất chính là góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới. Đồng thời khi cuộc sống của người dân no đủ, tư tưởng ổn định thì kẻ xấu và các thế lực thù địch cũng không thể xâm nhập vào để chia rẽ bà con, không thể xuyên tạc làm cho bà con giảm niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
 
Tỉnh Lai Châu xác định, muốn xây dựng được thế trận an ninh nhân dân và thế  trận quốc phòng toàn dân vũng chắc thì lòng dân phải thuận, cả hệ thống chính trị phải luôn đồng hành cùng với đồng bào trong mọi chủ trương, chính sách, nhất là những chương trình về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ câu cây trồng, vật nuôi và tạo thêm nhiều ngành nghề mới cho người dân ở vùng nông thôn.
 
20170717-m41.jpg
Bình minh Xuân mới trên thành phố Lai Châu mang theo những tia nắng ấm áp và niềm hy vọng vào thành công của công tác xóa đói giảm nghèo bền vững. (Ảnh: Trần Quỳnh)
 
Khẳng định rõ hơn về điều này, đồng chí Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Tỉnh Lai Châu luôn chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bằng cách đầu tư xây dựng các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tại các vùng lòng hồ thủy điện. Chăn nuôi phát triển sẽ kéo theo các ngành dịch vụ chăn nuôi, các cơ sở chế biến… Làm được điều này đồng nghĩa với việc các ngành nghề mới xuất hiện. Khi dịch vụ phát triển thì thu nhập của người dân sẽ được nâng lên. Biết tận dụng các tiềm năng lợi thế của mình, trong đó nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực để phát triển, là việc làm giúp người dân phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương họ. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, lãnh đạo tỉnh cùng với lãnh đạo huyện phải thường xuyên trao đổi, làm rõ những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đồng thời tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
 
Xuân mới đã về trên khắp vùng cao Tây Bắc, trong đó có tỉnh Lai Châu mang đến niềm hy vọng và những khởi sắc mới cho công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần làm cho tỉnh Lai Châu sớm phát triển tiến kịp với miền xuôi./.
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo điện tử ĐCSVN)