Ban Điều hành sẽ tập trung kiểm tra các tỉnh còn hạn chế trong ứng dụng CNTT trong năm 2017

Ngày 11/5/2017, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã chủ trì cuộc họp Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Tham dự có đại diện Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ và một số cục, vụ chức năng liên quan của Bộ TT&TT.

Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa đã báo cáo tóm tắt đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh thành năm 2016. Theo đó, nội dung đánh giá được chia theo 6 hạng mục: Hạ tầng kỹ thuật CNTT, Triển khai ứng dụng CNTT, Trang/ Cổng Thông tin điện tử (TTĐT), Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT và Nhân lực. Kết quả đánh giá được công bố theo từng hạng mục cho ba khối cơ quan gồm: Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ; khối các cơ quan thuộc Chính phủ và khối các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
 
anh-hung_1.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
 
Về hạ tầng CNTT, các ngành và địa phương đã trang bị khá đầy đủ máy tính cho các cán bộ, công chức phục vụ công việc. Đặc biệt, khoảng cách về hạ tầng CNTT giữa các tỉnh/ thành phố lớn và những tỉnh còn khó khăn đã giảm mạnh.
 
Về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước, các Bộ, ngành đều sử dụng thường xuyên, hiệu quả CNTT vào công tác điều hành quản lý, rút ngắn thời gian trao đổi hồ sơ công việc giữa các cơ quan, đơn vị. Các tỉnh dẫn đầu về ứng dụng CNTT vẫn là các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Một số tỉnh vùng xa, miền núi nhưng cũng triển khai tốt nội dung này gồm: Lào Cai, Đồng Tháp, Cà Mau…
 
Về dịch vụ công trực tuyến, một số Bộ, ngành đã triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 đạt hiệu quả cao, điển hình như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ TT&TT, Bảo hiểm Xã hội… Các tỉnh thành có nhiều hồ sơ trực tuyến được giải quyết là Hà Nội, An Giang, Đà Nẵng, Ninh Thuận…
 
Tuy nhiên, đại diện Cục Tin học hóa cũng cảnh báo DVCTT mức độ 3, 4 tại nhiều địa phương đạt hiệu quả chưa cao, thậm chí nhiều dịch vụ không có hồ sơ trực tuyến hoặc số lượng hồ sơ trực tuyến thấp. Để DVCTT thực sự phát huy hiệu quả, Cục Tin học hóa đã đề xuất Bộ Nội vụ khi chấm điểm chỉ tiêu cải cách hành chính trong năm tới, không tính số lượng DVCTT, chỉ tính số lượng hồ sơ trực tuyến được giải quyết.
 
Về nhân lực cho ứng dụng CNTT, tại các Bộ ngành, nguồn nhân lực đạt mức khá và tốt. 90% Sở ban ngành và UBND quận huyện đã có cán bộ chuyên trách CNTT. 17/63 tỉnh thành đã có quy định về chế độ ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách CNTT.
 
Tại buổi họp, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đã báo cáo dự thảo Thông tư quy định về việc sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước. Thông tư này nhằm hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định 26/2007/NĐ-CP, Nghị định 64/2007/NĐ-CP, Nghị định 01/2013/NĐ-CP. Theo đó, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Nội vụ thống nhất xây dựng Thông tư để hoàn thiện hệ thống pháp lý trong việc sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử, quy trình văn bản điện tử, lưu trữ văn bản điện tử. Cụ thể, Bộ TT&TT xây dựng và ban hành Thông tư quy định về sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước. Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành Thông tư quy định về quản lý văn bản và hồ sơ điện tử.
 
Đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng nên ghép hai Thông tư quy định về chữ ký số làm một, tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ và địa phương trong công tác thực thi, triển khai, nhất là trong bối cảnh các công cụ phục vụ tích hợp chữ ký số vào phần mềm dùng chung, điều hành tác nghiệp vẫn chưa thống nhất. Phạm vi áp dụng chữ ký số cũng cần được mở rộng sang các doanh nghiệp nhà nước, không chỉ thu hẹp trong phạm vi các cơ quan nhà nước.
 
Về việc ghép hai Thông tư quy định về chữ ký số, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết đã hỏi ý kiến Vụ Pháp chế và được biết việc ghép hai Thông tư là không phù hợp với các quy định hiện nay về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
Liên quan đến kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2017 của Ban Điều hành, đại diện các Bộ, ngành liên quan đều cho rằng cần tiến hành kiểm tra các Bộ, ngành , địa phương đã làm tốt về ứng dụng CNTT và những nơi làm chưa tốt. Ban Điều hành đã thống nhất trong năm 2017 sẽ kiểm tra về ứng dụng CNTT tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng và Hòa Bình.
 
Phát biểu kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định Bộ Nội vụ và Bộ TT&TT cần hợp tác chặt chẽ xây dựng quy phạm pháp luật liên quan đến chữ ký số, văn bản điện tử. Đây cũng được coi là vấn đề nền tảng trong phát triển chính phủ điện tử. Thứ trưởng cũng nhất trí Ban Điều hành cần tập trung đi kiểm tra ứng dụng CNTT tại một số tỉnh còn hạn chế trong ứng dụng CNTT. Sắp tới sẽ có Ban Điều hành về ATTT đi vào hoạt động, Thứ trưởng chỉ đạo Ban Điều hành về ứng dụng CNTT và Ban Điều hành về ATTT cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.