Hội thảo “Hạ tầng viễn thông băng rộng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”

Sáng ngày 13/7/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo “Hạ tầng viễn thông băng rộng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; lãnh đạo Vụ Công nghệ cao - Bộ Khoa học và Công nghệ; các hội, hiệp hội; các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng CNTT&TT hàng đầu ở Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT…

20170713-m1.JPG
 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
 
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn hoan nghênh tính chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT của Việt Nam đang mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mũi nhọn của CNTT, viễn thông băng rộng như 4G, 5G.
 
Bộ trưởng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TT&TT, Bộ TT&TT được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tìm cách phát huy, tận dụng ưu thế của mình để làm thế nào đi trước, chủ động xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên khắp thế giới.
 
Qua Hội thảo này, Bộ trưởng Bộ TT&TT ghi nhận:
 
Thứ nhất, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu thế đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và tác động khác nhau lên nhiều mặt của đời sống xã hội. Xu thế này đã làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Nó mang đến nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức cho tất cả các quốc gia trên thế giới.
 
Thứ hai, hạ tầng viễn thông băng rộng và đảm bảo an toàn thông tin đóng vai trò nền tảng cho các kết nối công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nó tạo cơ hội kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng cũng đặt các doanh nghiệp trước rất nhiều thách thức. Để tăng cường năng lực quốc gia sẵn sàng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì nhiều nước đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng.
 
Thứ ba là, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mặc dù các nước phát triển có lợi thế hơn các nước đang phát triển về tiềm lực công nghệ và kinh tế, nhưng nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội thì chúng ta sẽ không tụt hậu xa so với các nước phát triển. “Chính vì vậy, tại sao Việt Nam là một nước nhỏ, nhưng chúng ta không phải là nước yếu về CNTT và viễn thông. Nên chúng ta phải biết tận dụng cơ hội này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ có tính chuyên ngành rất cao. Trong đó, xu thế của CNTT và viễn thông sẽ trở thành nền tảng trong mọi lĩnh vực và tiến tới nền tảng kinh tế số. Cho nên, đón bắt được xu hướng này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, CNTT bên cạnh sự phát triển mạng lưới và an toàn thông tin hạ tầng viễn thông, CNTT thì cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu các ứng dụng mới.
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để từ đó xây dựng định hướng chính sách của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16 về tăng cường năng lực tiếp cận và đưa ra những nhận định rõ ràng về xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới cũng như cơ hội, thách thức của Việt Nam và đưa ra những giải pháp đầu tiên đối với Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh giải pháp: tập trung thúc đẩy, phát triển tạo ra sự bứt phá thực sự về hạ tầng ứng dụng và năng lực CNTT&TT; phát triển hạ tầng kết nối số và đảm bảo an toàn an ninh mạng...
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nội dung:
 
Thứ nhất là phải đưa ra được những định hướng chính sách cho các doanh nghiệp viễn thông, CNTT để tiến tới dịch chuyển dần sang các lĩnh vực mũi nhọn trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 
Thứ hai là thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT&TT băng rộng đảm bảo chất lượng, an toàn, bảo mật, sẵn sàng cho các thiết bị kết nối IoT phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Thứ ba là phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp CNTT&TT.
 
Thứ tư là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực thiết yếu như giao thông thông minh, y tế thông minh.
 
Thứ năm là xây dựng cơ chế, chính sách hướng tới phát triển nền kinh tế số.
 
Thứ sáu là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trọng điểm về CNTT&TT sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 
Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ xem xét để kiến nghị với các cơ quan Đảng, Nhà nước, trước hết là Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiếp đó là kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để hướng dẫn cho các bộ, ngành liên quan những nội dung cần thiết về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ TT&TT mong các doanh nghiệp, đơn vị, nhà khoa học có những tư vấn, phản biện đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói chung và ngành CNTT&TT nói riêng. Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội, đơn vị trong quá trình xây dựng chính sách để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 từ góc độ của Ngành.
 
20170713-m2.JPG
 Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hơp với các bộ, ngành, địa phương liên quan kết nối các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 
Một trong các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT trong Chỉ thị 16 là tập trung phát triển hạ tầng CNTT, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới.
 
Đối với xu thế mới này, cuối năm 2016, Bộ TT&TT đã chủ động nghiên cứu, báo cáo Lãnh đạo Đảng và Chính phủ về “Xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thời cơ thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII” và sau đó tiếp tục cung cấp thông tin nghiên cứu để Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
 
Hội thảo lần này được tổ chức nhằm triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan xây dựng chính sách và các doanh nghiệp hàng đầu về cung cấp hạ tầng CNTT&TT ở Việt Nam.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo đề dẫn của Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ TT&TT về “Tổng quan, xu thế và vai trò của CNTT và viễn thông trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Các tham luận: Những thách thức trong quản lý Nhà nước về tài nguyên tần số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cục Tần số Vô tuyến điện); Hiện trạng về hạ tầng viễn thông băng rộng và nhu cầu siêu kết nối trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cục Viễn thông); Vai trò của các doanh nghiệp viễn thông và định hướng của VNPT trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (VNPT); Tầm quan trọng của công nghệ di động thế hệ sau cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Viettel); Xu thế chuyển đổi số: các công nghệ cốt lõi, tầm quan trọng của hạ tầng băng rộng và định hướng của FPT (FPT).../.