Thành công nhờ phát huy trí tuệ tập thể

Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực I (gọi tắt là Trung tâm I) thuộc Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm I đã xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan nhiễu thông tin di động, nhiễu điều hành bay hàng không, truyền thanh không dây, nhiễu liên quan an ninh, quốc phòng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ thông tin vô tuyến điện phục vụ Đại hội Đảng XII. Cũng trong năm 2016 vừa qua, Trung tâm I là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của Bộ được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2016.

20170705-l20.jpg

Tập thể Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực I

Những kết quả đạt được
 
Trung tâm I được thành lập theo Quyết định số 1523/QĐ-BTTTT, ngày 14/10/2008 của Bộ trưởng Bộ TT&TT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố khu vực trung du, miền núi phía Bắc bao gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hoà Bình và Vĩnh Phúc. Đặc biệt trong đó có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn về chính trị, văn hóa, xã hội; nơi tập trung các cơ quan Trung ương, đầu mối các Bộ, ngành, các doanh nghiệp lớn; đại sứ quán các nước, đại diện các tổ chức quốc tế nên mật độ sử dụng tần số vô tuyến điện (VTĐ) và số lượng máy phát sóng VTĐ lớn, khả năng xảy ra can nhiễu VTĐ cao.
 
Do xác định rõ vai trò, nhiệm vụ, trong những năm qua, Trung tâm I đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, năm 2016 vừa qua là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng, Bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp... do đó, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, tại các hội nghị lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước đặt ra yêu cầu và trách nhiệm cao cho công tác kiểm soát sự kiện.
 
Hiện nay, lĩnh vực tần số vô tuyến điện đang được sử dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Số thuê bao di động tiếp tục tăng, cùng với sự chuyển đổi công nghệ từ di động băng hẹp sang băng rộng với việc triển khai 3G trên băng tần 900 MHz tại các vùng ngoại thành, nông thôn; Bộ TT&TT đã cấp phép triển khai 4G trên băng tần 1800MHz cho 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone; Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đã đạt được kết quả tốt với việc tắt sóng mềm và tắt hoàn toàn sóng truyền hình tương tự thành công vào 15/8/2016 tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh cung cấp cho người dân nhiều kênh truyền hình hơn, chất lượng tốt hơn; Các mạng đài truyền thanh không dây tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu thông tin cơ sở; Các mạng thông tin vô tuyến điện dùng riêng có nhu cầu tần số gia tăng, xu hướng chuyển sang băng thông nhỏ hơn, công nghệ số sử dụng hiệu quả phổ tần.
 
Với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng về số lượng thiết bị và công nghệ vô tuyến trong thời gian qua đã và đang đặt ra cho lĩnh vực quản lý tần số vô tuyến điện nói chung (trong đó có Trung tâm I) nhiều thách thức lớn như: vấn đề đảm bảo việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tần số VTĐ, đảm bảo an toàn thông tin VTĐ, hạn chế can nhiễu có hại cho các nghiệp vụ thông tin vô tuyến đã tạo ra khối lượng công việc rất lớn; vấn đề quản lý chất lượng phát xạ của đài phát thanh, phát hình (PTTH), đặc biệt là đài truyền thanh không dây (TTKD) đòi hỏi nhiều công sức để giảm thiểu ảnh hưởng can nhiễu đến mạng lưu động hàng không; vấn đề giải quyết can nhiễu liên quan đến các loại thiết bị vô tuyến điện, thiết bị điện, điện tử lưu thông trên thị trường không đảm bảo chất lượng phát xạ, tương thích điện từ trường EMC đặt ra nhiều thách thức cho công tác thực thi quản lý nhà nước về tần số VTĐ.
 
Trước yêu cầu trên, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Cục Tần số VTĐ, Trung tâm I đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý tần số VTĐ trên địa bàn được giao. Theo đó, Trung tâm I đã kiểm soát tần số VTĐ và xử lý nhiễu có hại, bảo vệ Đại hội Đảng XII; Tổ chức 04 hội nghị phổ biến pháp luật lồng ghép với số hóa truyền hình tại Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam và Ninh Bình; Phát 2516 công văn tuyên truyền hướng đối tượng; viết 12 bài đăng trên cổng thông tin của Cục; 11 bài trên cổng thông tin của Sở…
 
Cũng trong năm 2016, Trung tâm I thực hiên việc nhắc gia hạn 410 lượt; cấp mới 106, gia hạn 57 đài TTKD; chuyển giao 2009 giấy phép (128 TTKD, 131 PTTH, 1353 DR, 397 CC); tổ chức thành công Hội nghị giao ban quản lý tần số 2016; Hoàn thành 100% các chỉ tiêu kiểm soát trong Hệ thống chỉ tiêu kiểm soát Cục đã ban hành; Kiểm soát Bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp; Hoàn thành chuẩn bị hạ tầng các trạm kiểm soát cố định và chuyển trạm cố định tại Chamvit, các trạm điều khiển và trang thiết bị phụ trợ về Đài kiểm soát tại trụ sở Cục 115 Trần Duy Hưng.
 
Trung tâm I đã xử lý can nhiễu có hại với khối lượng lớn 230 công văn thông báo nhiễu với gần 500 cells/tần số bị nhiễu gồm 212 vụ nhiễu thông tin di động (qua đó, phát hiện 122 thiết bị kích sóng điện thoại, 30 thiết bị chế áp sóng di động và 557 điện thoại không dây DECT6.0 gây nhiễu có hại); 05 vụ nhiễu điều hành bay hàng không; 01 vụ nhiễu Đài Tiếng nói Việt Nam; 04 vụ nhiễu đài TTKD; 02 vụ nhiễu liên quan đến an ninh – quốc phòng; 06 vụ nhiễu mạng lưu động dùng riêng. Trong đó, nổi bật là Trung tâm I đã xử lý xong khoảng 168 nguồn gây nhiễu cho mạng thông tin di động 2G, 3G băng tần 900 MHz, 1800 MHz và 2100 MHz của Viettel, MobiFone và VinaPhone chủ yếu là thiết bị kích sóng di động, điện thoại kéo dài Dect 6.0 nhập lậu trên thị trường, không có hợp chuẩn, hợp quy và không đảm bảo chất lượng phát xạ, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tự ý mua về sử dụng và thiết bị chế áp điện thoại di động.
 
Mặt khác, Trung tâm I đã phối hợp với các Sở TT&TT thuộc phạm vi phụ trách giải quyết nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả các vụ can nhiễu liên quan đến các đài truyền thanh cấp huyện, các đài TTKD và các mạng dùng riêng trên địa bàn của các Sở TT&TT giảm thiểu ảnh hưởng can nhiễu đến hoạt động bình thường của các mạng đài vô tuyến đã được cấp phép hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất 100 vụ (Hà Nội 77 vụ) phát hiện vi phạm từ kiểm soát tần số và xử phạt 41 vụ với tổng số tiền phạt 103,5 triệu đồng. Thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch 69 đơn vị, trong đó Trung tâm chủ trì 14 và Sở chủ trì 55, phát hiện 12 đơn vị có vi phạm...
 
Riêng đối với công tác đo kiểm tra EMC mạng truyền hình cáp, trong năm 2016, theo nhiệm vụ Cục giao, Trung tâm I đã tổ chức các đợt đo kiểm tra phát xạ mạng truyền hình cáp trên địa bàn, đặc biệt tập trung các khu vực có khả năng bức xạ gây nhiễu mạng điều hành bay quanh khu vực Hà Nội. Kết quả đã đo kiểm tra được 23 điểm, phát hiện 11/23 điểm đo có bức xạ EMC của mạng truyền hình cáp vượt quy chuẩn QCVN 71:2013/BTTTT, do VTV cab và HCTV cab quản lý. Trung tâm đã đôn đốc các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp khắc phục. Tính đến nay các đơn vị đã khắc phục  xong 11/11 điểm lỗi EMC mạng TH cáp (đạt 100%).
 
Song song với nhiệm vụ quản lý, Trung tâm I còn phối hợp với các Sở TT&TT tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn ban hành các văn bản, chỉ thị liên quan đến lĩnh vực quản lý tần số; văn bản tăng cường quản lý về tần số VTĐ tại địa phương trên cơ sở Luật Tần số VTĐ, Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tần số VTĐ; tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chuyển đổi truyền hình tương tự sang truyền hình số; tăng cường quản lý các thiết bị không hợp chuẩn, hợp quy, trôi nổi trên thị trường. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các dơn vị có liên quan mang lại hiệu quả rất tích cực, giúp người dân nắm rõ quy định pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị VTĐ cũng như lộ trình triển khai đề án số hóa truyền hình.
 
Ngoài ra, Trung tâm I còn đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến, cải cách thủ tục hành chính; hoàn thành 01 đề tài khoa học “Nghiên cứu phương pháp đo, đánh giá ảnh hưởng can nhiễu và đề xuất biện pháp xử lý nhiễu hệ thống thông tin di động tiêu chuẩn IMT băng tần 900MHz trên địa bàn thành phố Hà Nội”; 06 sáng kiến cấp đơn vị và 01 sáng kiến được Cục Tần số VTĐ công nhận là sáng kiến cấp Cục.
 
Phát huy sức mạnh tập thể
 
Để có được những kết quả nổi bật nêu trên, Trung tâm I đã đoàn kết nội bộ, phát huy trí tuệ tập thể, đề cao sáng kiến và tư duy đột phá, dám làm và dám chịu trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan để hoàn thành tốt trọng trách được giao. Trung tâm có đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về điện tử, ngành viễn thông và CNTT, đủ sức khai thác tốt các trang thiết bị hiện đại, chuyên dùng về kiểm soát tần số VTĐ, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, kinh nghiệm nghiệp vụ trong công tác kiểm tra, kiểm soát VTĐ, xác định can nhiễu VTĐ. Đồng thời, Trung tâm nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp; sự phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ các đơn vị trong và ngoài ngành đã góp phần giúp Trung tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong những năm qua.
 
Với sự quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công nhân viên, ngay từ đầu năm lãnh đạo chuyên môn và Ban Chấp hành Công đoàn Trung tâm I đã ký giao ước thi đua và phát động các phong trào thi đua gồm: “Không khí tích cực, vận động thuyết phục; phê bình xây dựng; giữ gìn đoàn kết; trách nhiệm cụ thể; hành động quyết liệt; thiết thực hiệu quả; đổi mới sáng tạo; phát huy truyền thống; kỷ luật kỷ cương”; Phát động phong trào thi đua “Duy trì nề nếp công tác, triển khai kiểm soát, đo nhiễu, kiểm tra xử lý ngày làm việc 08h hiệu quả”; Đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn liền với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn ngành Thông tin và Truyền thông đoàn kết, sáng tạo, thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2017, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII” do Bộ trưởng Bộ TT&TT phát động.
 
Trong năm 2017, Trung tâm I đã xác định cụ thể các vấn đề trọng tâm, đổi mới phương pháp và tư duy làm việc, cải cách thủ tục hành chính, phát huy sáng kiến, động viên được trí tuệ và sức mạnh tập thể với những hoạt động, giải pháp cụ thể như: Nâng cao năng lực và hiệu quả sử dụng, bảo quản thiết bị kỹ thuật; Mở rộng phạm vi kiểm soát, tăng cường kiểm soát lưu động đến các huyện lỵ, thị trấn và vùng biên giới trọng điểm; Tăng cường khai thác các trạm điều khiển từ xa loại II hiện đại đã được đầu tư, nâng cao hàm lượng kỹ thuật trong công tác kiểm soát; Làm tốt khâu xây dựng kế hoạch kiểm soát, kiểm tra khoa học, có trọng tâm, trọng điểm.
 
Đặc biệt, linh hoạt, uyển chuyển nhưng cương quyết, kiên định mục tiêu khi giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với từng đối tượng và công việc, nhất là với các vấn đề phức tạp như việc xử lý các can nhiễu cho mạng điều hành bay, cho các đài PTTH, các đơn vị viễn thông công cộng có sai phạm, các mạng truyền hình cáp có rò rỉ tín hiệu gây nhiễu, mạng điều hành của các doanh nghiệp taxi, giải quyết hiện tượng can nhiễu mạng thông tin điều hành bay tại khu vực Sân bay Nội Bài và đặc biệt là các vụ nhiễu thuộc an ninh và quốc phòng, Trung tâm đã kiên trì kết hợp giữa các yếu tố kỹ thuật qua công tác đo đạc, kiểm soát, với các yếu tố nghiệp vụ khác. Thông qua sàng lọc nhiều nguồn số liệu để rút ra và củng cố đánh giá một cách độc lập và khoa học để đưa ra biện pháp xử lý thích hợp, vừa giải quyết được can nhiễu, vừa đảm bảo an toàn, bí mật thông tin. Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Cục Tần số để tổ chức Hội nghị về phối hợp sử dụng tần số hàng không và xử lý nhiễu có hại tại khu vực Sân bay Nội Bài.
 
Mặt khác, Trung tâm đã chủ động tìm biện pháp tháo gỡ phù hợp khi thực tiễn nảy sinh các vấn đề mà cơ chế giải quyết chưa thể đáp ứng được yêu cầu công việc, ví dụ như trong quá trình xử lý can nhiễu cho mạng di động 3G, vì các trường hợp cá nhân, hộ gia đình và công ty, tổ chức sử dụng chuẩn công nghệ DECT 6.0 gây nhiễu phổ biến, biện pháp làm việc, xử lý theo vụ việc không thể nhanh chóng khắc phục được triệt để can nhiễu. Trung tâm đã chủ động làm việc với Sở TT&TT Hà Nội, Chi Cục quản lý thị trường, A70, PC50, PA 81 kiểm tra các chủng loại thiết bị vô tuyến điện nhập vào Việt Nam nhằm hạn chế và ngăn chặn các thiết bị không phù hợp qui định nhập lậu từ nước ngoài vào trong nước. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến người sử dụng qua các phương tiện thông tin đại chúng qua các báo, đài truyền thanh phường và bằng hình thức tờ rơi; phổ biến Luật Tần số và các văn bản, qui định pháp luật đến cấp cơ sở và nhân dân.