Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị phổ biến VBQPPL về quản lý và sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam

Sáng ngày 26/5/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về quản lý và sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã tới dự và phát biểu khai mạc hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, một số Sở TT&TT, Cục CNTT, Trung tâm CNTT các Bộ, ngành và một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế, các nhà đăng ký tên miền.

2017526-u1.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị phổ biến VBQPPL về quản lý và sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam là dịp để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế có cơ hội nắm bắt đầy đủ các quy định quản lý. Tổ chức thực hiện đúng để vừa bảo đảm việc kinh doanh dịch vụ đúng quy định pháp luật vừa tư vấn, hỗ trợ các chủ thể đăng ký thuận lợi và tuân thủ các quy định liên quan. Đồng thời, sáng suốt lựa chọn loại tên miền phù hợp cho mục đích sử dụng của mình, và đặc biệt là nắm bắt để thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam, làm cơ sở cho việc bảo đảm tên miền mình đăng ký tuân thủ đúng quy định pháp luật và được sử dụng ổn định, lâu dài.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và Vụ Pháp chế trong việc đề xuất và tổ chức một hội nghị có nội dung chương trình phong phú và hữu ích.
 
Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của Internet trong thời gian qua đã đem lại các lợi ích to lớn và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Tính đến cuối năm 2016 đã có 329,3 triệu tên miền được đăng ký trên thế giới, tăng 6,8% so với năm 2015. Như vậy, mức tăng trưởng này nhiều hơn mức tăng trưởng GDP thế giới (năm 2016 là 3,1% theo Quỹ tiền tệ thế giới). Tuy vậy, Internet phát triển cũng đồng thời làm gia tăng các vấn đề của xã hội, đặc biệt xảy ra ngày càng nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng các Website, đưa các thông tin xấu độc, sai sự thật mà Bộ TT&TT đã và đang tiếp tục xử lý. Do vậy, để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững xã hội thông tin, việc sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam cũng cần được quản lý chặt chẽ.
 
Về mặt kỹ thuật, tên miền Internet là công cụ để truy cập các nội dung đặt tại máy chủ được định danh bởi địa chỉ IP đi kèm theo tên miền. Trên thực tế, một số chủ thể và người dùng cho rằng có thể sử dụng tên miền quốc tế để tránh được sự quản lý, kiểm soát của các quy định pháp luật của Việt Nam. Theo pháp luật Việt Nam, các chủ thể sinh sống và làm việc tại Việt Nam khi tham gia kết nối Internet dù sử dụng tên miền quốc gia của Việt Nam ".vn" hay tên miền quốc tế đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý thông tin trên mạng. Trong thời gian qua, các vi phạm xảy ra ở các trang mạng sử dụng tên miền quốc tế có tỉ lệ cao hơn ở tên miền quốc gia ".vn". Tuy vậy, công tác xử lý vẫn chưa được quan tâm một cách phù hợp. Nếu để kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cân đối giữa tên miền quốc gia và tên miền quốc tế, vấn đề bảo đảm thực thi các quy định pháp luật của Việt Nam cũng như bảo vệ lợi ích của cộng đồng. 
 
Hiện nay, Bộ TT&TT đang tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để ngày càng phù hợp hơn với việc quản lý thông tin trên thế giới cũng như trong nước. Cụ thể, dự thảo Nghị định thay thế, sửa đổi, bổ sung Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT đang được xem xét để bổ sung cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm tên miền quốc tế. Bộ TT&TT cũng định hướng công tác thanh tra, kiểm tra và thực thi pháp luật đối với tên miền quốc tế trong năm 2017 và trong thời gian tiếp theo.
 
Thứ trưởng đề nghị, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cần phải hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật để sử dụng đúng tên miền quốc tế ở Việt Nam.
 
Các nội dung phổ biến, tập huấn pháp luật tại Hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung chính sau: Các quy định liên quan đến đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế; trách nhiệm của Nhà đăng ký tên miền quốc tế và chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam; tình hình quản lý, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam; Phổ biến công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm về tên miền quốc tế.
 
Thứ trưởng Phan Tâm mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, trao đổi thẳng thắn và giải đáp đầy đủ các vấn đề liên quan để tất cả mọi người cùng nắm rõ, hiểu đúng các quy định. Đồng thời, Bộ TT&TT và các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ cũng mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng để nhằm hoàn thiện các chính sách quản lý trong thời gian tới. Các cơ quan truyền thông báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT để truyền tải đầy đủ, kịp thời các thông tin quy định đến cộng đồng sử dụng tên miền, đến mọi tổ chức, cá nhân liên quan để việc sử dụng tên miền quốc tế và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" ngày càng lành mạnh.
 
Tại Hội nghị, ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC đã trình bày các nội dung liên quan đến quản lý tài nguyên, tên miền quốc tế và việc đăng ký sử dụng tên miền quốc tế; công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm; định hướng công tác quản lý, sử dụng tên miền quốc tế trong thời gian tới. Theo ông Tân, việc đăng ký sử dụng tên miền quốc gia ccTLD  là lựa chọn tốt, thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm mà khách hàng đặt vào Website của chủ thể. Khi đối tác truy cập các trang Web địa phương, cảm giác đầu tiên sẽ là yên tâm hơn do địa chỉ đó là nơi họ có thể nhận ra chứ không phải là một địa chỉ chưa xác định (ngay qua tên miền). Google hay Facebook mặc dù là thương hiệu lớn có tên miền gTLD nhưng đều sử dụng “.vn” tại Việt Nam. Đăng ký tên miền quốc gia .vn có các lợi thế: được pháp luật bảo vệ, kỹ thuật an toàn, tin cậy, truy vấn nhanh chóng, hạn chế tối đa khi mất liên lạc quốc tế, được trạm trung chuyển Internet trong nước phục vụ, chăm sóc hỗ trợ, được xác thực thông tin, đăng ký thuận tiện…
 
Ông Tân cho biết, vừa qua, VNNIC đã tổ chức đợt rà soát toàn bộ các nhà đăng ký tên miền quốc tế. Kết quả cho thấy, có  96 Nhà đăng ký cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền được công bố trên trang thongbaotenmien.vn, trong đó có 32/96 đơn vị có báo cáo cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế với Bộ TT&TT, có Giấy phép đăng ký kinh doanh, hợp đồng ký với Tổ chức quản lý tên miền quốc tế - ICANN hoặc hợp đồng ký với nhà đăng ký tên miền chính thức của ICANN để cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam; 15/96 đơn vị không đủ hồ sơ là nhà đăng ký tên miền quốc tế, do hợp đồng với tổ chức chưa được ICANN công nhận; không có hợp đồng, chưa có Giấy phép hoạt động kinh doanh. Có 49/96 đơn vị không phản hồi và không liên hệ được khi VNNIC gửi công văn yêu cầu cung cấp hồ sơ xét duyệt (08/49 đơn vị này có báo cáo danh sách tên miền quốc tế hàng quý với VNNIC; 07/96 đơn vị ngừng cung cấp dịch vụ đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế ).
 
Các VBQPPL quy  định, hướng dẫn về quản lý, sử dụng tên miền quốc tế đã bảo đảm phù hợp với sự phát triển Internet. Các nội dung quy định liên quan đến tên miền quốc tế đã được thực hiện trong thực tế, góp phần tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, phát triển ổn định về CNTT nói chung và quản lý, sử dụng tài nguyên Internet nói riêng.
 
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, 95% vụ việc vi phạm xuất phát từ tên miền quốc tế do không thiết lập chế tài quản lý từ đầu nên việc sai phạm ngày càng nhiều, khó xử lý thậm chí không thể xử lý, như các trường hợp sử dụng trùng tên lãnh đạo cấp cao nhà nước để lập trang tin điện tử gây nhiễu loạn, mất an toàn an ninh do không quản lý được thông tin chủ thể tên miền. Hiệu quả thực thi công tác quản lý, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam chưa cao; Việc giám sát thực thi các quy định tên miền quốc tế còn yếu, chưa tạo được ý thức chấp hành từ cộng đồng người sử dụng; Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định quản lý tên miền quốc tế chưa thực hiện thường xuyên, sâu, rộng đến cộng đồng người sử dụng; Việc thông báo sử dụng qua môi trường mạng, tính xác thực thông tin không cao; Nhiều chủ thể sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam nhưng đăng ký ở các tổ chức nước ngoài nên không kiểm soát được thông tin đăng ký....
 
Vừa qua, VNNIC đã phối hợp với Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở TT&TT Quảng Bình, Quảng Ninh, Lâm Đồng, TP HCM, Cần Thơ thực hiện đợt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên Internet. Nhìn chung, các đối tượng bị thanh tra, kiểm tra là các tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền quốc tế tại địa phương đã nêu đều không nắm rõ quy định của pháp luật về việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam. Qua thực tiễn cung cấp thông tin của các chủ thể sử dụng tên miền quốc tế cho các cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan thanh tra xử lý vi phạm, VNNIC thấy rằng hầu như các chủ thể này đều chưa thông báo sử dụng với Bộ TT&TT theo quy định.
 
Ông Hồ Sỹ Vinh, đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cũng đã chia sẻ tại Hội nghị về chuyên đề thanh tra và xử lý vi phạm tên miền quốc tế. Hiện nay, việc gia tăng sử dụng tên miền quốc tế là vì các chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền cho rằng: Việc đăng ký, sử dụng dễ, cơ quan nhà nước khó kiểm soát, lại ít bị ràng buộc về quy định của pháp luật. Do đó, các vi phạm liên quan đến tên miền quốc tế tăng, đối tượng phức tạp, tinh vi và nhiều thành phần.
 
Ông Hồ Sỹ Vinh cũng cho biết, trong thời gian tới, Thanh tra Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm về tên miền, đặc biệt đối với nhà đăng ký tên miền và người sử dụng tên miền quốc tế; Phối hợp với Sở TT&TT, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT như VNNIC, Cục An toàn thông tin, VNCERT, các đơn vị thuộc Bộ Công an như: C50, A68, A87 để thanh tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền quốc tế.../.