Xây dựng đô thị thông minh cần lấy nhu cầu của người dân làm trung tâm

Ngày 18/5/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ ngành TT&TT năm 2017 với chủ đề “ICT trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam”. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện một số Sở TT&TT và đại diện doanh nghiệp VNPT, VNPost, Viettel, FPT…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định: Xu hướng đô thị hóa trên thế giới đang diễn ra ở tốc độ nhanh và có phạm vi khá rộng lớn. Dự báo đến năm 2050, gần 70% dân số thế giới sẽ sinh sống ở các đô thị. Các đô thị lớn là động lực kinh tế của quốc gia nhưng cũng đang  tạo ra khoảng 70% lượng khí nhà kính và 60-80% tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Quá trình đô thị hóa gia tăng tạo ra nhiều sức ép về ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực như nước sạch, đất đai, không gian, giao thông, năng lượng…

20170518-pg4-TTHong-.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển vượt bậc của CNTT-TT, các thiết bị cảm biến, camera, robot… thông minh được ứng dụng trong nhiều ngành như điện, nước, năng lượng, môi trường… và ở mọi ngóc ngách của đô thị. Hàng loạt dịch vụ mới tiềm năng được tạo ra dựa trên khai thác khối lượng dữ liệu lớn phát sinh, làm chuyển đổi đô thị thành đô thị thông minh. Trong đô thị thông minh, ICT đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động xấu của các ngành công nghiệp lên môi trường sống như các sáng tạo trong hệ thống giao thông thông minh, quản lý tiêu thụ nước, năng lượng và chất thải thông minh...
 
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định, trong những năm gần đây, hàng trăm đô thị trên thế giới đang triển khai các sáng kiến, kế hoạch để chuyển đổi thành đô thị thông minh. Tháng 10/2016, Hội nghị toàn cầu của Liên hợp quốc về nhà ở và đô thị (Habitat III) đã cam kết áp dụng cách tiếp cận đô thị thông minh, trong đó ứng dụng các công nghệ ICT, năng lượng sạch và các công nghệ giao thông đổi mới sáng tạo để giảm tắc nghẽn và ô nhiễm môi trường; cung cấp nhiều lựa chọn cho người dân sử dụng các phương tiện thân thiện môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện các dịch vụ cung cấp cho người dân. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới.
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những trở ngại, khó khăn trên con đường phát triển đô thị thông minh dựa trên kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, các dự án triển khai độc lập, manh mún do thiếu kế hoạch tổng thể, thiếu sự phối hợp liên ngành, liên vùng; thiếu sự tham gia của người dân, cách thức tổ chức triển khai và mô hình huy động tài chính hiệu quả…
 
Tại Việt Nam, các đô thị chỉ chiếm 10% diện tích cả nước nhưng đóng góp hơn 70% tổng thu ngân sách toàn quốc, trong đó 5 thành phố trực thuộc Trung ương chiếm 50% GDP cả nước. Hiện nay, đã có gần 20 tỉnh, thành trên toàn quốc đang khởi động các đề án về đô thị thông minh. Các doanh nghiệp ICT lớn đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác xây dựng đô thị thông minh với các tỉnh, thành phố trải đều từ Bắc vào Nam.
 
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, việc triển khai đô thị thông minh là “một vấn đề mới, phức tạp, ngay cả trên thế giới cũng đang trong giai đoạn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước xây dựng các tiêu chuẩn liên quan”. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, thông qua Hội nghị này, Bộ TT&TT sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu về các giải pháp và cách thức tổ chức triển khai đô thị thông minh phù hợp ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT sẽ khẩn trương nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn triển khai đô thị thông minh.
 
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong triển khai đô thị thông minh (ĐTTM), ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ KHCN cho biết, khái niệm ĐTTM hay Đô thị thông minh bền vững vẫn còn khá mới mẻ trên toàn cầu nên “cách hiểu cũng chưa thống nhất”, có xu hướng đan xen lồng ghép với đô thị xanh. Về hạ tầng công nghệ, ICT đóng vai trò trung tâm trong xây dựng ĐTTM, trong đó dữ liệu được thu thập, liên thông, xử lý từ các ứng dụng ngành dọc trên một nền tảng chung để đảm bảo an toàn thông tin. Về tổ chức, phần lớn sáng kiến ĐTTM trên thế giới do chính quyền trung ương và thành phố chủ trì, đặc biệt ở khu vực châu Á. Về thị trường, cần cân bằng lợi ích ba bên gồm nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, ông Lê Xuân Công nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của người dân khi xây dựng ĐTTM.
 
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cũng giới thiệu một số tiêu chí đánh giá ĐTTM, đáng chú ý là bộ chỉ số KPI của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Hiện có hai thành phố trên thế giới đang thí điểm áp dụng bộ KPI của ITU là Dubai (từ 5/2015) và Singapore (từ tháng 10/2015) trong 2 năm.
 
Vụ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất nên khuyến khích một thành phố đủ điều kiện của Việt Nam đăng ký tham gia dự án thí điểm KPI của ITU.
 
Ông Lê Xuân Công nhấn mạnh, Bộ tiêu chí quốc gia về ĐTTM của Việt Nam nên đóng vai trò như một “thư viện” đầy đủ các tiêu chí cho mọi lĩnh vực của ĐTTM. Số lượng chỉ số KPI cần tối giản, thực sự là chỉ số chính, dễ dàng thu thập, xác thực dữ liệu, giảm thiểu phát sinh công việc mới.
 
Ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng giới thiệu khái quát tình hình triển khai bước đầu ĐTTM của Hà Nội. Hà Nội đang quyết liệt ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông. Tuy nhiên, ông Quý cũng thừa nhận một số khó khăn như chưa có định hướng chung về xây dựng ĐTTM quốc gia, chưa có cơ sở pháp lý khung, thiếu tiêu chí về kết nối, liên thông. Đặc biệt là nguồn nhân lực để triển khai ĐTTM thực sự là vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó, người dân cũng chưa hiểu ĐTTM là gì, cần phải đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền.
 
20170518-pg5.jpg
 
Ông Nguyễn Xuân Quý - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
 
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM lại có quan điểm việc xây dựng ĐTTM liên quan đến xây dựng chính phủ điện tử để kết nối các ban, ngành nhằm tăng tính hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường sự tương tác giữa người dân và chính quyền, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân hơn trong các lĩnh vực y tế, giáo dục… đồng thời tạo ra môi trường hoạt động minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
 
Cũng tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp FPT, Viettel và VNPT đã giới thiệu các giải pháp về chính phủ điện tử, thành phố thông minh mà các đơn vị này đang cung cấp cho các tỉnh, thành.