Không để người nghèo bị thiệt thòi khi số hóa truyền hình mặt đất

“Sở sẽ quyết tâm chỉ đạo triển khai thực hiện số hóa truyền hình mặt đất đúng kế hoạch. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhưng không được để người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng khi thực hiện số hóa truyền hình mặt đất”. Đó là nội dung chỉ đạo trọng tâm của lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ khi triển khai thực hiện số hóa truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh

20170505-m1.jpg
 Gia đình bà Long ở xã Gia Thanh rất mong muốn sớm được lắp đặt đầu thu DVB - T2 để xem truyền hình với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn
 
Gia đình ông Hán Văn Lân ở khu 6, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh là một trong những hộ nghèo của huyện. Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên chiếc tivi trong gia đình gần như là tài sản giá trị nhất. Hằng ngày ông Lân vẫn theo dõi thông tin thời sự cũng như các thông tin về nông nghiệp trên chuyên mục “Bạn của nhà nông” phát trên VTV2. Khi biết thông tin từ ngày 1/7 tới, tỉnh Phú Thọ sẽ thực hiện tắt chương trình phát sóng analog và khi đó nếu gia đình ông không sử dụng tivi thế hệ mới (sản xuất, nhập khẩu từ sau năm 2014), không sử dụng các chương trình dịch vụ truyền hình hoặc không có đầu thu DVB - T2 thì gia đình ông sẽ không thu được các kênh thông tin thiết yếu. Ông Lân tỏ ra lo lắng, chia sẻ: “Kinh tế gia đình tôi còn nhiều khó khăn, không thể mua tivi mới trong khi nhu cầu nắm bắt thông tin thời sự và các kiến thức về sản xuất nông nghiệp của gia đình là rất cần thiết. Nếu không được theo dõi các thông tin thời sự hằng ngày thì tôi rất buồn”. Khi hay tin gia đình mình sẽ được hỗ trợ đầu thu để có thể thu được các kênh truyền hình quảng bá với tín hiệu và âm thanh tốt hơn thì ông Lân vui hơn hẳn và ông mong rằng chương trình sẽ được triển khai sớm.
 
Cũng như gia đình ông Lân, gia đình bà Đỗ Thị Long ở xã Gia Thanh cũng là một trong những hộ nghèo của xã, chiếc tivi cũ được mua từ năm 2010 là tài sản giá trị và là “thư viện thông tin” cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, khi thực hiện tắt phát sóng analog, gia đình bà Long sẽ là một trong số các hộ bị ảnh hưởng. Bà Long tâm sự: “Chiếc tivi gần như đã trở thành người bạn thân thiết của mỗi thành viên trong gia đình. Nếu không còn được theo dõi các thông tin cần thiết hằng ngày thì chắc mọi người sẽ rất buồn. Nhưng khi được cán bộ của địa phương đến thông tin và hướng dẫn kê khai những thông tin cần thiết để được hỗ trợ thiết bị đầu thu DVB - T2, gia đình tôi rất vui. Nếu được lắp đầu thu để xem tivi với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn thì còn gì bằng. Chúng tôi mong niềm vui đó sẽ sớm thành hiện thực”.
 
Gia đình ông Lân cũng như gia đình bà Long chỉ là 2 trong số nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phù Ninh bị ảnh hưởng khi thực hiện tắt sóng truyền hình analog trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/7/2017.
 
Theo thống kê của Phòng văn hóa - Thông tin huyện Phù Ninh, khi triển khai thực hiện Đề án số hóa truyền hình mặt đất (gọi tắt là Đề án), trên địa bàn huyện sẽ có gần 1.800 hộ gia đình bị ảnh hưởng khi không thu được tín hiệu truyền hình. Để người dân trên địa bàn huyện hiểu được ý nghĩa của việc triển khai Đề án, ngay sau khi có sự chỉ đạo từ Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Văn hóa - Thông tin đã chủ động phối hợp với Đài Truyền thanh huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn để tuyên truyền những nội dung trọng tâm của Đề án; phối hợp chặt chẽ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện cũng như chính quyền các cơ sở trong tiến hành rà soát, thống kê danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thu - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phù Ninh cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ đến tận các hộ gia đình để giải thích cho họ về chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như những ảnh hưởng trong việc thu sóng truyền hình đối với các hộ gia đình khi thực hiện Đề án; đồng thời hướng dẫn cụ thể về cách đăng ký thông tin cần được hỗ trợ đầu thu theo yêu cầu của Đề án cho các hộ gia đình. Khi nắm bắt được những thông tin cần thiết, các hộ gia đình rất vui mừng và mong muốn chương trình sẽ sớm được triển khai để nhu cầu tiếp cận, thụ hưởng thông tin của họ không bị gián đoạn”.
 
Số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 62.000 hộ gia đình đủ điều kiện nhận hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất. Đây là những hộ gia đình nghèo, cận nghèo hoặc các hộ gia đình ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình analog theo nội dung của Đề án hiện đang sử dụng tivi thế hệ cũ, chưa tích hợp bộ thu sóng DVB - T2 (tivi được sản xuất, nhập khẩu trước năm 2014), không sử dụng bất kỳ một loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền nào.
 
Để đảm bảo quyền lợi của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân vùng sâu, vùng xã trên địa bàn tỉnh không bị ảnh hưởng khi triển khai thực hiện Đề án, ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện triển khai thực hiện Đề án; Sở đã triển khai và chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền về Đề án với trên 100 tin, bài trên Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Cổng giao tiếp điện tử tỉnh; đồng thời đã cấp phát đĩa tuyên truyền về Đề án cho toàn bộ hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành, thị ban hành các văn bản chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh cấp huyện, xã tăng cường thời lượng tuyên truyền về thực hiện triển khai Đề án cũng như phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của địa phương trong việc tiến hành rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện được nhận đầu thu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo minh bạch, chính xác và đúng đối tượng được thụ hưởng. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã chủ động rà soát, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và những yếu tố tác động khi thực hiện Đề án để từ đó có những kiến nghị, đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh kịp thời có những chỉ đạo để việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thông tin của người dân.
 
Dự kiến theo nội dung chương trình của Đề án, từ ngày 16/5/2017 - 30/6/2017, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các địa phương để tiến hành triển khai lắp đặt đầu thu cho các hộ gia đình đủ điều kiện được hỗ trợ theo danh sách đã thống kê./.