Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông tin đối ngoại

Sáng ngày 4/5/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông tin đối ngoại định kỳ hàng tháng. Tới dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo. Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền Chính phủ; lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

20170504-l1.jpg
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu kết luận Hội nghị
 
Tại Hội nghị, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí ở TW và Hà Nội đã được nghe những nội dung chính gồm: Báo cáo tình hình công tác nhân quyền trong tháng do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền thông báo; Báo cáo nhận xét tuyên truyền về nhân quyền trên báo chí trong tháng do Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) cung cấp; Chính sách đoàn kết dân tộc trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài do ông Đặng Trần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cung cấp; Kinh nghiệm truyền thông quốc tế về chống xâm phạm nhân phẩm, uy tín và quyền bí mật đời tư do bà Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) trình bày…
 
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, thời gian qua có nhiều sự kiện trong nước bị các thế lực và kẻ xấu lợi dụng để nâng lên thành vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận như vụ việc Formosa (Hà Tĩnh), vụ việc ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), huyện Yên Phong (Bắc Ninh)… Các cơ quan báo chí đã tuân thủ định hướng của các cơ quan chức năng, đảm bảo yêu cầu cung cấp thông tin tin cậy, chính thống cho dư luận xã hội.
 
Thứ trưởng lưu ý các cơ quan báo chí đang phải cạnh tranh thông tin với mạng xã hội rất gay gắt, do vậy báo chí chính thống cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. Đồng thời, các cơ quan báo chí phải đề cao trách nhiệm của mình khi thông tin những vụ việc phức tạp cần đưa tin thế nào, tránh tình trạng để kẻ xấu và các thế lực thù địch lợi dụng từ chính thông tin báo chí của ta. Trong thời gian tới có nhiều cuộc đối thoại về nhân quyền, các cơ quan báo chí cần lưu ý phản ánh những thành tựu toàn diện phát triển của Việt Nam trong thời gian qua; việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật luôn đề cao vai trò của báo chí, của tự do ngôn luận được thể hiện trong Hiến pháp 2013 cho đến các văn bản luật có liên quan; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chính sách đại đoàn kết dân tộc, góp phần xóa bỏ định kiến, khép lại quá khứ hướng tới tương lai… Đặc biệt, báo chí phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
 
Đối với những việc Bộ TT&TT đang triển khai trong việc cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc với các doanh nghiệp, nhà mạng lớn ở nước ngoài như Google, Facebook… với tinh thần thiện chí, tôn trọng và cùng nhau hướng tới môi trường mạng xã hội lành mạnh trên cơ sở tuân thủ thông lệ quốc tế và luật pháp Việt Nam, các nhà mạng đã cam kết và tích cực hợp tác với Việt Nam trong việc xử lý những thông tin, video clip xấu độc, xuyên tạc, kích động hận thù dân tộc,  xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân…/.