Để những “Ngày sách” thật sự ý nghĩa

Nhằm tôn vinh các tác phẩm và tác giả đã đóng góp vào dòng chảy phát triển của nhân loại, từ năm 1995, UNESCO đã chọn ngày 23-4 hằng năm là Ngày sách và bản quyền thế giới, với sự hưởng ứng mạnh mẽ của hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

20170424-l2.jpg

Đông đảo độc giả trẻ lựa chọn sách tại Ngày Sách Việt Nam năm 2017

Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định từ năm 2014, chính thức lấy ngày 21-4 là Ngày Sách Việt Nam. Hiện nay, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và công nghệ hiện đại, đã và đang có hiện tượng xuất hiện và chiếm lĩnh của nhiều loại hình đa phương tiện, kéo theo văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc. Hoạt động hưởng ứng Ngày Sách thế giới và Ngày Sách Việt Nam là cần thiết, không chỉ tôn vinh tác giả và những người làm sách, mà còn khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách với việc phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
 
Qua bốn năm hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, các cấp, ngành, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã phối hợp tổ chức hàng loạt hoạt động đa dạng và hấp dẫn về hình thức thực hiện. Hàng triệu đầu sách ở nhiều lĩnh vực nội dung như: chính trị, khoa học công nghệ, văn hóa, văn học... đã được giới thiệu đến bạn đọc cả nước.
 
Điều này cho thấy, Ngày Sách Việt Nam đã thật sự tạo được không gian và môi trường văn hóa lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho cộng đồng và toàn xã hội với nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau, sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều tầng lớp xã hội. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, nhưng nếu nhìn lại bốn năm tổ chức Ngày Sách Việt Nam vừa qua có thể thấy còn nhiều điều đáng bàn.
 
Có thể thấy, từ mua sách, đọc sách đến xây dựng và phát triển văn hóa đọc đúng nghĩa là cả một hành trình dài mà không phải cứ giăng “cờ đèn kèn trống” là thực hiện được. Hiệu quả của việc thay đổi theo hướng tích cực về văn hóa đọc, nhất là ở giới trẻ phải được biểu hiện bằng mức độ say mê, ý thức chủ động tìm sách, đọc sách. Và điều quan trọng là làm thế nào để nâng cao tinh thần khuyến đọc, hướng tới một xã hội học tập, phát triển bền vững. Năm nào cũng thế, cứ đến Ngày Sách Việt Nam, nhiều chương trình, sự kiện, hội chợ sách được tổ chức trên cả nước, nhất là tại các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đều thể hiện ở một quy mô khá lớn về số lượng các đơn vị tham gia, số lượng đầu sách, số lượng gian hàng... Tuy nhiên, ở các chương trình, sự kiện Ngày sách hằng năm vẫn thiếu vắng những hoạt động mang yếu tố khác biệt. Phần lớn các sự kiện đều chỉ là những buổi giới thiệu, ra mắt sách hay giao lưu với tác giả sách mới, những hoạt động mà hầu như hội sách nào cũng có, trong khi thiếu vắng các tác giả uy tín, đủ sức thuyết phục, lay động nhận thức và tình cảm bạn đọc, thiếu vắng những xuất bản điện tử, xu hướng và tương lai của ngành xuất bản sau này.
 
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện chưa tạo được tính kết nối, thường chỉ là đơn vị nào biết đơn vị đó, cho nên chưa thật sự tạo được sức hút lớn với người tham dự. Hoạt động của Ngày sách vẫn chủ yếu là mua, bán sách, tập trung ở những gian hàng có chiết khấu cao, khuyến mãi nhiều cùng những con số thống kê cuối chương trình về hàng triệu bản sách được bán với doanh thu hàng chục tỷ đồng, mang lại cảm giác giống như ngày hội ra quân của các đơn vị phát hành hay cơ hội “vàng” để nâng cao doanh số năm của các đơn vị xuất bản. Tính chất khuyến đọc được thể hiện trên tiêu chí mời gọi, tìm cách thu hút mua sách là chính, thay vì những hoạt động mang tính định hướng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách. Điều này cũng lý giải tại sao những đầu sách như truyện tranh, sách giải trí luôn là những mặt hàng bán chạy nhất ở Ngày sách tại các địa phương.

Theo các chuyên gia trong ngành xuất bản, in và phát hành sách, để Ngày Sách Việt Nam thật sự phát huy hiệu quả và ý nghĩa, thay vì làm quá nhiều hoạt động, nên tập trung vào những nội dung mang tính điểm nhấn để quảng bá sách và nêu cao tinh thần khuyến đọc thông qua truyền thông, hội thảo, tọa đàm về những tác giả, tác phẩm cụ thể. Ngoài ra, tại các gian hàng, bên cạnh những hoạt động bày, bán sách cần có những giới thiệu, chỉ dẫn cần thiết về giá trị của từng nhóm/cuốn sách để tăng yếu tố định hướng cho bạn đọc, giúp họ tìm hiểu về đặc thù ngành xuất bản, in ấn, phát hành, bồi đắp tình yêu sách cho giới trẻ. Tuy nhiên, cần khẳng định, những hoạt động trong các Ngày sách chỉ có thể góp phần tạo động lực cần thiết, khơi dậy tình yêu sách, tinh thần học tập và văn hóa đọc, còn muốn nâng cao nhận thức, phát triển phong trào đọc sách một cách bền vững, phải cần tới sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhà trường, gia đình và xã hội với những giải pháp mang tính đồng bộ, lâu dài.