Chi mua đầu thu số hoá truyền hình cần tăng thêm 740 tỷ đồng

Do nhà nước thay đổi về chuẩn nghèo, cận nghèo từ đầu năm 2016, cộng với việc sẽ phải hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh cho nhiều khu vực nên kinh phí mua đầu thu hỗ trợ cho người nghèo cần tăng thêm khoảng 740 tỷ đồng.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT, sau khi được Bộ TT&TT giao cho nhiệm vụ nghiên cứu để sửa đổi một số điều trong Quyết định 2451 cho phù hợp với thực tiễn khi triển khai Đề án Số hóa truyền hình. Qua phân tích hiện trạng, Viện Chiến lược TT&TT dự kiến đề xuất các tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Bắc, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung nhà nước sẽ chi hỗ trợ một phần để các tỉnh này phát sóng truyền hình lên vệ tinh vì có nhiều khu vực không thể triển khai trạm phát lại truyền hình số mặt đất được, tuy nhiên nhà nước sẽ xem xét hỗ trợ phát sóng chuẩn SD, không hỗ trợ phát sóng chuẩn HD. Hiện nay đã có 61/63 tỉnh thành đã phát sóng kênh truyền hình thiết yếu lên vệ tinh, chỉ còn 2 tỉnh Kon Tum và Lai Châu là chưa phát sóng kênh truyền hình lên vệ tinh.
 
Đối với các tỉnh thuộc nhóm này, hộ nghèo, cận nghèo nằm trong vùng phủ sóng DVB-T2 các trạm phát chính sẽ được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, còn những hộ nghèo, cận nghèo nằm trong các vùng thuộc trạm phát lại sẽ được hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh.
 
Theo ông Trần Minh Tuấn, do từ đầu năm 2016 tiêu chuẩn nghèo, cận nghèo đã được Chính phủ quy định mới tiếp cận theo chuẩn nghèo đa chiều nên số lượng hộ nghèo, cận nghèo tăng cao hơn so với năm 2015, dẫn đến số lượng đầu thu cần hỗ trợ cho người nghèo tăng lên đáng kể. Thêm vào đó, chi phí mua đầu thu vệ tinh tương đương đầu thu mặt đất, nhưng công lắp đặt cao hơn. Do đó, theo dự kiến kinh phí để mua đầu thu truyền hình hỗ trợ người dân sẽ phải cần đến 2.450 tỷ đồng, cao hơn so với kinh phí được duyệt của Đề án là hơn 740 tỷ đồng.
 
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg kinh phí để chi hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo là 1.710 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được trích từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích. 
Theo tính toán của Cục Tần số Vô tuyến điện, trong số 15 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog đợt 1/7/2017 có gần 590.000 hộ nghèo, cận nghèo, lớn hơn tổng số đầu thu đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo của giai đoạn 1 và đợt 1 của giai đoạn 2. Trong năm 2016, Bộ TT&TT đã hỗ trợ cho 516.030 hộ nghèo, cận nghèo chịu ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
 
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát thanh và truyền hình mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn biểu dương 13 tỉnh, thành phố đã thực hiện thành công số hóa truyền hình. Theo Bộ trưởng, mặc dù quá trình thực hiện số hóa truyền hình phát sinh rất nhiều khó khăn, nhưng các tỉnh đã cùng với Ban chỉ đạo, cùng với Bộ TT&TT tìm cách tháo gỡ để vượt qua những khó khăn đó. Các đài truyền hình, các cơ quan báo chí đã tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ về lộ trình số hóa truyền hình và chuyển sang xem truyền hình số.
 
Với các tỉnh thuộc nhóm 2 và nhóm 3 tới đây sẽ còn nhiều khó khăn khi triển khai số hóa truyền hình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu các Cục, Vụ của Bộ phải cùng phối hợp để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
 
“Số hóa truyền hình phải lấy phục vụ người dân làm chính, không được để người dân vùng sâu vùng xa, người nghèo không được xem truyền hình số. Việc triển khai số hóa truyền hình phải có trách nhiệm chính của địa phương, các tỉnh phải có trách nhiệm phối hợp với Bộ TT&TT triển khai Quyết định của Thủ tướng, thực hiện cam kết của Chính phủ với ASEAN”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Qua khảo sát của Bộ TT&TT mới nhất, tại một số địa phương ở Nam Bộ thuộc nhóm 3 thì rất nhiều tỉnh đang muốn được đẩy lên số hóa truyền hình ngay từ giai đoạn 2 kết thúc vào 12/2017. Nhóm  địa phương sẵn sàng số hóa truyền hình sớm có: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Tây Ninh… Tuy nhiên, cũng có địa phương thuộc nhóm 2 lại muốn chuyển sang số hóa truyền hình giai đoạn 3, trong đó có Phú Thọ.
Nguồn: Theo http://ictnews.vn