Hàng tỷ đô la và hàng triệu mạng sống được cứu nếu kiểm soát được thuốc lá

Các chính sách kiểm soát sử dụng thuốc lá, bao gồm cả thuế thuốc lá và tăng giá, có thể tạo ra các lợi tức đáng kể của chính phủ cho công tác y tế và phát triển, theo một báo cáo toàn cầu mang tính bước ngoặt mới từ WHO và Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ. Các biện pháp này cũng có thể làm giảm đáng kể việc sử dụng thuốc lá và bảo vệ sức khỏe của người dân từ những kẻ giết người hàng đầu thế giới, chẳng hạn như ung thư và bệnh tim.

Nhưng nếu không được kiểm soát, ngành công nghiệp thuốc lá và tác động chết người do các sản phẩm thuốc lá sẽ gây nên tổn thất của các nền kinh tế trên thế giới hơn 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm trong chi tiêu chăm sóc sức khỏe và năng suất lao động theo các kết quả được công bố trong tạp chí Kinh tế học về thuốc lá và kiểm soát thuốc lá. Hiện nay, có khoảng 6 triệu người chết hàng năm do việc sử dụng thuốc lá, và hầu hết sống ở các nước đang phát triển.

Chuyên khảo gần 700 trang kiểm tra bằng chứng hiện có trên hai lĩnh vực chính:

- Kinh tế học về kiểm soát thuốc lá, bao gồm sử dụng thuốc lá và phát triển, sản xuất và buôn bán, thuế và giá cả, chính sách kiểm soát và các can thiệp khác để giảm sử dụng thuốc lá và những hậu quả của nó; và

- Các tác động kinh tế của các nỗ lực kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu.

"Tác động kinh tế của thuốc lá với các nước, và công chúng nói chung, là rất lớn, như báo cáo mới đây cho thấy," Tiến sĩ Oleg Chestnov, Trợ lý Tổng giám đốc của WHO về các bệnh không lây nhiễm (Noncommunicable Diseases -NCDs) và sức khỏe tâm thần cho biết. "Ngành công nghiệp thuốc lá sản xuất và các sản phẩm của nó trên thị trường giết chết sớm hàng triệu người, cướp đi tài chính của các hộ gia đình mà có thể được sử dụng cho thực phẩm và giáo dục, và đưa đến các chi phí chăm sóc sức khỏe to lớn cho các gia đình, các cộng đồng và các quốc gia."

Trên toàn thế giới, có 1,1 tỷ người từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá, với khoảng 80% sống ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Khoảng 226 triệu người hút thuốc lá sống trong nghèo đói.

Chuyên khảo, trích dẫn một nghiên cứu năm 2016, nói rằng doanh thu tiêu thụ đặc biệt hàng năm từ thuốc lá trên toàn cầu có thể tăng 47%, hoặc 140 tỷ đô la, nếu tất cả các nước tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 0,80 đô la cho mỗi gói thuốc. Ngoài ra, việc tăng thuế này sẽ tăng giá bán lẻ thuốc lá trung bình 42%, dẫn đến một sự suy giảm 9% tỷ lệ hút thuốc và có tới 66 triệu người lớn hút thuốc ít hơn.

"Nghiên cứu tóm tắt trong chuyên khảo này khẳng định rằng các can thiệp kiểm soát thuốc lá dựa trên bằng chứng có ý nghĩa từ một quan điểm về kinh tế cũng như quan điểm về sức khỏe cộng đồng", đồng biên tập của chuyên khảo- Giáo sư Frank Chaloupka-Khoa Kinh tế tại Đại học Illinois tại Chicago cho biết.

Vấn đề gánh nặng kinh tế và sức khỏe toàn cầu

Gánh nặng về kinh tế và sức khỏe toàn cầu của việc sử dụng thuốc lá là rất lớn và ngày càng gia tăng ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình (low- and middle-income countries -LMICs). Khoảng 80% người hút thuốc trên thế giới sống tại LMICs.

Các can thiệp của chương trình và chính sách hiệu quả hiện có nhằm làm giảm nhu cầu đối với sản phẩm thuốc lá và tử vong, bệnh tật và chi phí kinh tế do việc việc sử dụng thuốc lá nhưng những biện pháp can thiệp này không được tận dụng. Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (FCTC WHO) cung cấp một khuôn khổ dựa trên bằng chứng cho hành động của chính phủ để giảm sử dụng thuốc lá.

- Các chương trình và các chính sách làm giảm nhu cầu các sản phẩm thuốc lá được đánh giá mang tính chi phí hiệu quả cao. Các can thiệp như vậy bao gồm tăng thuế thuốc lá và giá cả; Cấm các hoạt động tiếp thị của ngành công nghiệp thuốc lá; các nhãn cảnh báo về sức khỏe bằng hình ảnh nổi bật; các chính sách không khói thuốc và các chương trình cai thuốc lá trên diện rộng giúp mọi người từ bỏ hút thuốc. Trong 2013-2014, thuế tiêu thụ đặc biệt về thuốc lá trên toàn cầu tạo ra gần 269 tỷ đô la doanh thu của chính phủ. Trong số này, chưa đầy 1 tỷ đô la Mỹ được đầu tư cho việc kiểm soát thuốc lá.

- Kiểm soát buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá là chính sách từ phía cung mang tính chìa khóa để giảm việc sử dụng thuốc lá và hậu quả về kinh tế và sức khỏe do thuốc lá. Ở nhiều quốc gia, mức độ tham nhũng cao, thiếu cam kết để giải quyết việc buôn bán bất hợp pháp, và việc quản lý thuế và hải quan không hiệu quả, có vai trò tương đương hoặc cao hơn do trốn thuế hơn là việc tăng thuế sản phẩm và giá cả. Nghị định thư của WHO FCTC nhằm loại bỏ việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá áp dụng các công cụ, giống như một hệ thống truy tìm và theo dõi quốc tế, để đảm bảo chuỗi cung ứng thuốc lá. Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy việc buôn bán bất hợp pháp có thể được giải quyết thành công, ngay cả khi các khoản thuế và giá thuốc lá được nâng lên, dẫn đến tăng doanh thu từ thuế và giảm sử dụng thuốc lá.

Kiểm soát thuốc lá không gây tổn hại cho nền kinh tế: Số lượng việc làm phụ thuộc vào thuốc lá đã giảm ở hầu hết các nước, chủ yếu là do sự đổi mới công nghệ và tư nhân hóa các nhà máy trước đây là chủ sở hữu nhà nước.Do đó, các biện pháp kiểm soát thuốc lá sẽ có tác động khiêm tốn về các việc làm có liên quan, và không gây ra mất việc trong đại đa số các quốc gia. Chương trình thay thế thuốc lá đối với cây trồng khác cung cấp các lựa chọn thay thế.

Kiểm soát thuốc lá làm giảm không cân xứng gánh nặng kinh tế và sức khỏe mà sử dụng thuốc lá tác động với người nghèo. Sử dụng thuốc lá đang ngày càng tập trung trong các nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương khác.

Tiến bộ đang được thực hiện trong việc kiểm soát đại dịch thuốc lá toàn cầu, nhưng những nỗ lực phối hợp là cần thiết để đảm bảo tiến bộ được duy trì hoặc đẩy mạnh. Trong hầu hết các khu vực, tỷ lệ sử dụng thuốc lá đang giữ nguyên hoặc giảm. Nhưng gia tăng sử dụng thuốc lá ở một số vùng, và tiềm năng tăng ở những vùng khác, đe dọa sự tiến bộ toàn cầu trong kiểm soát thuốc lá.

Năng lực tiếp thị của các công ty thuốc lá đã tăng lên trong những năm gần đây, tạo ra những thách thức mới cho những nỗ lực kiểm soát thuốc lá. Tính đến năm 2014, 5 công ty thuốc lá chiếm 85% thị trường thuốc lá toàn cầu. Các chính sách nhằm hạn chế năng lực tiếp thị của các công ty thuốc lá phần lớn chưa được kiểm chứng nhưng hứa hẹn cho việc giảm sử dụng thuốc lá.

Tiến sĩ Douglas Bettcher, Giám đốc về Phòng chống bệnh các không lây nhiễm của WHO nói rằng báo cáo mới cung cấp cho các chính phủ một công cụ mạnh mẽ để chống lại tuyên bố của ngành công nghiệp thuốc lá là việc kiểm soát các sản phẩm thuốc lá gây ra tác động bất lợi cho các nền kinh tế. "Báo cáo này cho thấy hàng triệu mạng sống có thể được cứu và nền kinh tế có thể phát triển thịnh vượng khi chính phủ thực hiện các biện pháp đã được chứng minh mang tính chi phí hiệu quả như tăng đáng kể thuế và giá các sản phẩm thuốc lá, và cấm tiếp thị thuốc lá và hút thuốc lá ở nơi công cộng," ông nói thêm.

Kiểm soát thuốc lá là một phần quan trọng trong đáp ứng toàn cầu của WHO tới đại dịch các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh tiểu đường. Các bệnh không lây nhiễm gây tử vong sớm cho khoảng 16 triệu người (trước ngày sinh nhật lần thứ 70 của họ) mỗi năm. Giảm sử dụng thuốc lá đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong việc giảm tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm tới một phần ba vào năm 2030.