Hình ảnh phổi đen và răng thối sẽ xuất hiện trên bao bì thuốc lá tại Đức

Hút thuốc làm chết người. Tại Đức có khoảng 120 nghìn người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Vậy chúng ta có thể làm gì để ngăn những người khác mua thuốc lá tại siêu thị? Các chính trị gia tin rằng những hình ảnh ghê sợ sẽ có hiệu quả. Vì thế mà vào năm 2014, Liên minh châu Âu đã soạn một bộ luật quy định 2/3 diện tích bao thuốc phải chứa những cảnh báo liên quan đến sức khỏe dưới dạng chữ và hình ảnh.

Và giờ đây nước Đức sẽ biến quy định của EU thành hiện thực. Thượng viện Đức đã phê chuẩn quy định này và từ ngày 20/5 người hút thuốc sẽ nhìn thấy những hình ảnh phổi đen và thi thể trên các bao thuốc lá bán ra tại nước này.

Lý lẽ về thời gian ân hạn

Đức là một trong những quốc gia cuối cùng thực hiện quy định của EU. Burkhard Blienert, phát ngôn viên chính sách dược phẩm của nhóm nghị sĩ Dân chủ xã hội trong Thượng viện cho biết “Nước Đức thực sự đã tụt hậu trong vấn đề nghiêm trọng này. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn ngừa thanh niên bắt đầu hút thuốc. Hút thuốc không đồng nghĩa với tự do và nó cực kỳ nguy hại đến sức khỏe.”

Thuốc lá đóng gói trong bao bì không có hình ảnh sản xuất trước tháng 5/2016 sẽ được phép bán trong một năm. Các đại diện của ngành công nghiệp thuốc lá đã đấu tranh cho một thời gian chuyển tiếp dài hơn nhưng yêu cầu của họ đã bị nghị viện và chính phủ Đức bác bỏ. Những nhà vận động nói rằng việc thực hiện nghiêm ngặt quy định này sẽ ảnh hưởng nhiều đến các công ty có quy mô trung bình hơn là các tập đoàn toàn cầu.

Michael von Foerster, giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Thuốc lá Đức nói “Quyết định của Thượng viện là dấu chấm hết không may cho một cuộc thảo luận dài. Thông thường một quốc gia sẽ có một thời hạn chót để thực thi một điều luật như thế này và sau đó các doanh nghiệp sẽ một khoảng thời gian để điều chỉnh phù hợp với những quy định mới.”

Von Foerster nói rằng chi phí sản xuất bao bì mới có thể sẽ rất lớn đối với một số thành viên trong hiệp hội, ví dụ như một công ty sản xuất thuốc lá địa phương tại Berlin có 120 nhân viên. Các công ty lớn trong ngành như Philip Morris thì không bị ảnh hưởng nhiều.

Nghiên cứu ủng hộ tính hiệu quả của hình ảnh

Blienert cho biết “Các công ty đã bỏ phí quá nhiều thời gian trôi qua kể từ khi những quy định này được công bố trên toàn EU vào năm 2014. Họ không giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc.”

Ông có niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh phòng ngừa của những hình ảnh ghê rợn. Một nghiên cứu của Abigail T. Evans tại Đại học bang Ohio dường như đã xác nhận niềm tin này. Nghiên cứu chỉ ra rằng những hình ảnh gây sốc trên bao bì thuốc lá có thể giảm tỷ lệ hút thuốc. Những người tham gia nào được cung cấp loại thuốc lá mà họ hay hút có hình ảnh và lời cảnh báo trên bao bì thường sẽ khởi sinh ý định bỏ thuốc. Hình ảnh cũng khiến cho người tham gia chú ý đến những lời cảnh báo một cách nghiêm túc hơn.

Tuy nhiên đây là nghiên cứu duy nhất về vấn đề này tính đến thời điểm hiện tại và cần phải có nhiều nghiên cứu tương tự hơn nữa.

Những quy định nghiêm ngặt hơn tại Australia và Ireland

Chủ tịch hiệp hội thuốc lá von Foerster không tin rằng những hình ảnh gây sốc thực sự có hiệu quả. Ông cũng chỉ trích quy định 2/3 và cho rằng nó sẽ loại bỏ quyền xây dựng nhãn hiệu của một công ty cho các sản phẩm của mình.

Tại Australia, các bao thuốc không có nhãn hiệu đã trở thành hiện thực. Người hút thuốc tại đây chọn lựa giữa những bao thuốc trung tính trông giống nhau đều in các hình ảnh ghê sợ thay vì logo của các hãng Malboro hay Camel.

Quốc hội Ireland cũng thông qua một luật tương tự vào tháng 3/2015 chỉ cho phép bao bì màu tối với các cảnh báo gây sốc đối với các sản phẩm thuốc lá. Tên nhãn hiệu phải có cỡ chữ nhỏ và sử dụng kiểu chữ và màu sắc trung tính. So với điều đó thì quy định của Đức vẫn còn khá rộng rãi.