Đồng Nai: Nhiều thách thức trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Đồng Nai được thành lập và đã phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện nhiều hoạt động. Tuy nhiên, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, thách thức.

Tại địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 100% cơ quan, đơn vị xây dựng Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá; 80% lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương hiểu biết về quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; 65% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 50% cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc trong nhà; 80% bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, trường học tuyến tỉnh, huyện có quy định về việc thực thi môi trường không khói thuốc trong khuôn viên đơn vị và trong đó có 60% đơn vị thực thi nghiêm môi trường không khói thuốc. 
 
Tuy nhiên, công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn. Đồng Nai có mật độ dân số đông, người lao động thường xuyên biến động, nhiều khu công nghiệp trải dài trên diện rộng, trong khi đó nhân lực làm công tác tuyên truyền còn thiếu, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, tập huấn, giám sát. Sự phối hợp giữa các ban ngành, cơ quan, đoàn thể, đơn vị chưa được thường xuyên, tích cực. Kinh phí cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn thấp, ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động sản xuất, cung cấp tài liệu truyền thông. Kế hoạch phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2016 tuy đã được Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) phê duyệt nhưng vẫn chưa triển khai được do vướng việc áp dụng Thông tư 58/2016 của Bộ tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm…, dẫn đến chậm thực hiện, hiệu quả kém.
 
Bên cạnh đó, vẫn còn một số cán bộ, lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá; không treo các biển quy định cấm cấm hút thuốc lá theo quy định, vẫn còn hút thuốc tại nơi làm việc… Các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn toàn tỉnh hầu như chưa thực hiện đúng quy định của Luật; cán bộ quản lý cũng như nhân viên nhà hàng, khách sạn chưa có đủ thông tin về Luật phòng chống tác hại thuốc lá. 
 
Khói thuốc đã len lỏi vào học đường, tình trạng hút thuốc ở thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh đang có chiều hướng gia tăng. Thực tế trên thị trường, thuốc lá vẫn được sản xuất và bán rộng rãi công khai, giá cả thấp, dễ mua, dễ bán, thuốc lá nhập lậu vẫn chưa được kiểm soát, rất dễ tìm mua thuốc lá ở bất cứ chỗ nào vì hệ thống bán lẻ rất phổ biến.   
 
Tình trạng hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra mọi lúc, mọi nơi, kể cả những điểm công cộng mà luật hiện hành đang cấm hút thuốc; trong những quán cà-phê, những chuyến xe buýt hay dọc hành lang công viên, văn phòng công sở, bệnh viện… Khói thuốc lá vẫn vây xung quanh chúng ta, tình trạng sử dụng thuốc lá vẫn diễn ra tràn lan, bừa bãi do ý thức của rất nhiều người chưa thay đổi. 
 
Đồng Nai hiện vẫn chưa triển khai được trung tâm cai nghiện thuốc lá nên công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người cai nghiện thuốc lá gặp khó khăn, chưa hiệu quả…  
 
Để công tác phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả và thành công, cần nâng cao hoạt động tuyên truyền về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động. Thực hiện triệt để các quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Luật. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của ngành Y tế trong việc triển khai các hoạt động theo dõi, giám sát và báo cáo về dịch bệnh phát sinh từ thuốc lá để cảnh báo cộng đồng.