Khuyến khích người dân phát hiện và tố giác hành vi hút thuốc nơi công cộng

Theo Ths. Nguyễn Ngọc Bích, Hội Y tế Công cộng Việt Nam cho rằng tình trạng hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam còn cao, tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng là phụ nữ và trẻ em. Nhưng bản thân những người bị hút thuốc lá thụ động lại có thái độ chấp nhận, không dám lên tiếng phản đối hoặc nhắc nhở người vi phạm.

Theo kết quả khảo sát của Hội Y tế công cộng trên gần 1.000 người tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thái Bình, Đồng Tháp, Hà Tĩnh và Khánh Hòa) cho thấy có tới 98% người trả lời vẫn chứng kiến hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm. Khảo sát cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ vi phạm tại các cơ quan, công sở là 37,4%, tại bến xe, nhà ga 92%, tại cơ sở y tế là 74,7% và trường học là 63,8%.
 
Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như hút thuốc lá chủ động: ung thư, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về hô hấp… Mỗi năm trên thế giới ước tính có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động, trong đó 64% số ca tử vong là nữ giới.
 
Ths Nguyễn Ngọc Bích khuyến cáo, Việt Nam cần đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền để mọi người dân nhận thức được quyền lợi của mình là được làm việc trong môi trường không khói thuốc. Quỹ liên hợp quốc tại Việt Nam cũng kêu gọi các quốc gia, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thông tin cho phụ nữ biết về các nguy cơ của hút thuốc, làm cho nam giới nhận thức rõ hơn về tác hại của việc hút thuốc lá thụ động mà họ gây cho trẻ em, phụ nữ và những người sống quanh họ; vận động việc thực hiện quyền của phụ nữ được bảo vệ khỏi tác hại của thuốc lá.
 
Theo Ths Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc văn phòng Health Bridge tại Việt Nam, do lực lượng thanh tra trên cả nước còn quá mỏng nên khuyến khích người dân phát hiện và tố giác hành vi hút thuốc nơi công cộng. Nghĩa là khi phát hiện thấy có người hút thuốc lá tại nơi cấm bất kỳ người dân nào cũng có thể gọi vào đường dây nóng cho cơ quan có trách nhiệm đến lập biên bản và xử lý.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề bất cập là theo quy định thì những người có thẩm quyền xử phạt là lực lượng thanh tra các ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp và công an. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra thì quá mỏng, chỉ có ở cấp tỉnh, còn chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp thì không có thời gian. Còn lực lượng công an có thể phối hợp để xử phạt nhưng lại không được ra quyết định xử phạt.
 
Do vậy đối với mỗi người dân, đặc biệt những người phải hút thuốc lá thụ động hãy lên tiếng ngay để bảo vệ sức khỏe của bản thân và giảm bớt tác hại của thuốc lá cho cộng đồng.