Tổng LĐLĐ Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá cho CNVC-LĐ và lãnh đạo Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước tại các địa phương.

Ông Vũ Mạnh Tiêm cho biết hưởng ứng các hoạt động PCTHCTL, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với LĐLĐ các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về PCTHCTL cho chủ tịch, phó chủ tịch Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước; tổ chức các đợt truyền thông PCTHCTL, xây dựng môi trường không khói thuốc cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Đến thời điểm này, tổng số cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ bỏ thuốc lá là trên 76.300 CNVC-LĐ; gần 100.000 CNVC-LĐ giảm hút thuốc lá; hơn 150.000 lượt CNVC-LĐ được tuyên truyền, phổ biến Luật PCTHCTL; thông tin về tác hại của thuốc lá; ý nghĩa sức khỏe của việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá...
 
Theo ông Tiêm, một nét mới và tạo điểm nhấn của các buổi truyền thông đó là sự tham gia của chính công nhân lao động thông qua các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm hài do công nhân sáng tác và biểu diễn đã nêu bật những tác hại của thuốc lá gây ra những bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư vòm họng, các bệnh tim mạch... đối với con người và ý nghĩa của việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá trong CNVC-LĐ; đồng thời đông đảo công nhân lao động rất hào hứng, nhiệt tình tham gia trả lời câu hỏi về Luật PCTHCTL... “Mọi người có quyền được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá, mỗi công nhân lao động tham gia chương trình hiểu rõ về tác hại của thuốc lá sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, góp phần xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc; xây dựng tổ ấm không khói thuốc, vì tương lai, sức khỏe của chính con em mình” - ông Tiêm nhấn mạnh.
 
Theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) 2015 do Bộ Y tế thực hiện mới đây cho thấy tỉ lệ hút thuốc của người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có xu hướng giảm so với năm 2010, từ 23,8% còn 22,5% năm 2015; trong đó tỉ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 47,4% còn 45,3%, tỉ lệ nữ giới hút thuốc giảm từ 1,4% còn 1,1%. GATS 2015 đã được thực hiện thông qua điều tra hơn 9.200 hộ dân và phỏng vấn 9.000 người (hơn 50% đối tượng ở nông thôn) trên 63 tỉnh, thành. Tín hiệu đáng mừng là tỉ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, đau tim, ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%. Tỉ lệ người tin rằng phơi nhiễm với khói thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc tăng từ 87% lên 90%. Ngoài ra, tỉ lệ hút thuốc lá thụ động trong nhà ở tất cả các điểm công cộng giảm đáng kể từ năm 2010 đến năm 2015, bao gồm hút thuốc lá thụ động ở nhà giảm từ 73,1% còn 59,9%, ở nơi làm việc từ 55,9% còn 42,6%, ở trường học từ 22,3% còn 16,1% và trên các phương tiện giao thông từ 34,4% xuống 19,4%.