Đề nghị Đức tăng cường đào tạo, chuyển giao công nghệ cho ngành Xuất bản Việt Nam

Đó là mong muốn của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại buổi tiếp Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức), ông Juergen Boos và Đoàn công tác diễn ra sáng nay (2/3/2017) tại trụ sở Bộ TT&TT.

20170302-L1.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiếp Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt, ông Juergen Boos đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chào mừng ông Juergen Boos, Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt đã tới thăm và làm việc tại Bộ TT&TT. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giới thiệu khái quát về ngành Xuất bản Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 60 nhà xuất bản thuộc sở hữu Nhà nước. Thời gian qua, toàn ngành Xuất bản đã có bước phát triển đáng kể, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, nguồn nhân lực được chú trọng, nâng cao; cơ chế hoạt động không ngừng được hoàn thiện, huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 15-20% về số bản sách, từ 8-10% về số đầu sách, và từ 10-15% về trang in. Đặc biệt, ngành Xuất bản Việt Nam đã chủ động hội nhập với nền xuất bản tiên tiến, hiện đại trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức mã số sách ISBN, Hiệp hội Xuất bản Châu Á – Thái Bình Dương.
 
Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản được triển khai phù hợp với quy mô và tốc độ phát triển của ngành Xuất bản trong nước. Trong đó, ngành Xuất bản đã đẩy mạnh hợp tác với các nước đối tác truyền thống như: Lào, Liên bang Nga, Cuba, Trung Quốc… trong các hoạt động như trao đổi đoàn, trao đổi bản quyền, hợp tác xuất bản, phát hành, giới thiệu, quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam tại các hội chợ sách quốc tế… Bên cạnh các thị trường truyền thống, hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Xuất bản đã và đang mở rộng ra các thị trường lớn, tiềm lực mạnh như: Mỹ, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản… và giới thiệu, quảng bá xuất bản phẩm của Việt Nam tại các Hội chợ - triển lãm sách quốc tế Matxcova, Hội chợ sách quốc tế Book Expo America.
 
Bên cạnh đó, các hoạt động về quảng bá xuất bản phẩm tại Việt Nam trong những năm gần đây diễn ra trên phạm vi rộng, mang lại hiệu ứng tốt tới người đọc: Hội chợ sách quốc tế Việt Nam, Ngày sách Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, Đường sách – Phố sách tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Hội sách Mùa Thu… Vấn đề hợp tác bản quyền trong lĩnh vực xuất bản đã được các nhà xuất bản, các công ty liên kết xuất bản chủ động, nỗ lực khảo sát nhu cầu thị trường Việt Nam; thương thảo với các công ty xuất bản các nước để mua bản quyền xuất bản sách phục vụ nhu cầu bạn đọc. Theo đó, các nước hợp tác nhiều nhất là Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
 
Tại buổi tiếp, ông Juergen Boos, Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt đã trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã dành thời gian tiếp Đoàn. Đồng thời, ông đã giới thiệu về Hội chợ sách Frankfurt và quá trình tham gia của Việt Nam. Theo đó, Frankfurt Bookfair là Hội sách bản quyền lớn nhất thế giới với quy mô hơn 7.100 cơ quan, đơn vị đến từ 106 quốc gia tham gia triển lãm, Hội chợ sẽ diễn ra khoảng 4.200 sự kiện và thu hút hơm 10.000 nhà báo từ khắp thế giới đến đưa tin.
 
Việt Nam tham gia Hội chợ sách quốc tế Frankfurt từ năm 2005, và từ năm 2008 đến nay, Việt Nam nhận thấy tầm quan trọng của việc tham gia Hội chợ sách quốc tế Frankfurt với tư cách là một sân chơi lớn của ngành Xuất bản thế giới nên đã tham gia thường niên. Quy mô gian hàng Việt Nam tại Hội chợ dao động từ 6m2, 8m2, 12m2, 14m2 và 20m2. Tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, Đoàn Việt Nam được coi là nước lớn trên thế giới và tại các gian hàng giới thiệu xuất bản phẩm Việt Nam bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, song ngữ Anh – Việt, tiếng Việt. Dù diện tích gian hàng nhỏ nhưng Việt Nam đã thiết kế, trưng bày gian hàng ấn tượng, mang đậm bản sắc Việt Nam với họa tiết hoa sen, nón lá, cây tre… theo từng năm. Đặc biệt, Chủ tịch Hội chợ sách Franfurt đánh giá cao Đường sách, phố sách mà Việt Nam đang triển khai. Đây không chỉ là nơi giới thiệu sách mà còn là nơi giao lưu, tổ chức các sự kiện liên quan đến sách rất ấn tượng, ông Juergen Boos, Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt nhấn mạnh.
 
Ông Juergen Boos đề xuất, khi tham gia Hội chợ sách Frankfurt, Việt Nam nên tính đến những gian hàng sao cho tương xứng tại Hội chợ. Ông Juergen Boos cam kết sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam xây dựng gian hàng chuyên nghiệp, xứng đáng với sự hiện diện của Việt Nam tại Hội chợ. Đến với Hội chợ sách Frankfurt không chỉ tập trung vào ngành Xuất bản mà còn là cơ hội để giao dịch với các tác giả, dịch giả, để quảng bá, giới thiệu văn hóa của quốc gia… mà còn liên quan đế các hoạt động khác như làm phim, truyền hình, điện ảnh, các trò chơi trực tuyến, quảng bá đặc sản, di sản văn hóa của quốc gia mình, đặc biệt liên quan đến văn hóa… Trong thời đại mới, công nghệ là rất quan trọng để trao đổi bản quyền, sở hữu trí tuệ,  ông Juergen Boos mong muốn hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực xuất bản, đặc biệt về vấn đề nội dung tác phẩm, dịch và bán bản quyền các tác phẩm của Việt Nam ra thế giới…
 
Tại buổi tiếp, ông Juergen Boos, Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn về khả năng Việt Nam trở thành Khách mời danh dự tại Frankfurt Bookfair. Hàng năm Hội chợ sách Frankfurt đều mời mỗi quốc gia làm Khách mời danh dự, và năm nay là Cộng hòa Pháp. Khách mời danh dự sẽ tổ chức các hoạt động (triển lãm, trình diễn nghệ thuật…) tại trung tâm Hội chợ, nước Khách mời danh dự có nhiều cơ hội quảng bá về nền văn hóa, nền văn học của nước mình… Về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trân trọng cảm ơn ông Juergen Boos, Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt đã đề nghị. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, để Việt Nam có thể thực hiện được các hoạt động theo đúng quy mô của Hội chợ sách Frankfurt, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ làm việc với các Bộ, ngành có liên quan để thảo luận kỹ hơn về vấn đề này.
 
Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đề xuất phía Hội chợ sách Frankfurt hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo biên tập viên, quản trị xuất bản, chuyển giao khoa học kỹ thuật – công nghệ xuất bản; giao dịch bản quyền; quảng bá xuất bản phẩm của Việt Nam ra thế giới; trao đổi kinh nghiệm để Bộ TT&TT và các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tổ chức tốt các triển lãm – hội chợ sách; mời các nhà sách quốc tế có uy tín vào Việt Nam để giới thiệu và chuyển giao công nghệ cho các nhà xuất bản ở Việt Nam. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ sách Frankfurt dự kiến diễn ra vào tháng 10/2017, Bộ trưởng đề nghị ông Juergen Boos tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho gian hàng của Việt Nam do Bộ TT&TT chủ trì tại Hội chợ về giá thuê gian hàng, thủ tục lãnh sự khi cần và các điều kiện khác...
 
Bộ trưởng tin tưởng rằng, kết quả buổi làm việc hôm nay sẽ mở ra các cơ hội hợp tác mới, thiết thực và hiệu quả hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nói chung và trong lĩnh vực xuất bản nói riêng. Nhân dịp này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chúc Hội chợ sách Frankfurt sẽ thành công tốt đẹp./.